Người Việt đầu tiên đoạt vé dự VĐTG Ironman 70.3 2017: Ước gì không phí thời gian chơi game

thứ tư 15-3-2017 13:06:49 +07:00 0 bình luận
Phạm Minh Quang trở thành VĐV Việt Nam đầu tiên giành vé chính thức tham dự giải VĐTG Ironman 70.3 2017, đánh dấu sự phát triển của phong trào triathlon ở VN.

Tại giải Ironman 70.3 Subic Bay (Philippines) cuối tuần vừa rồi, VĐV Phạm Minh Quang trở thành VĐV Việt Nam đầu tiên giành vé chính thức tham dự giải VĐTG Ironman 70.3 tại Chattanooga (Mỹ) vào tháng 9/2017. Đây có thể coi là một cột mốc mới đánh dấu sự phát triển của phong trào ba môn phối hợp - triathlon ở Việt Nam.

Năm ngoái, Việt Nam có 2 VĐV nam, nữ người Việt xuất sắc nhất Ironman 70.3 Vietnam 2016 tham dự giải VĐTG ở Queensland (Australia) theo diện đặc cách của Ironman. Webthethao đã phỏng vấn "người sắt" có khuôn mặt thư sinh này sau khi anh vội vã trở về Singapore từ Subic Bay:

Chúc mừng anh có vé đi Chattanooga (Mỹ) tham dự giải VĐTG Ironman 70.3 vào tháng 9 tới đây. Anh có thể giới thiệu đôi chút về bản thân?

Tôi năm nay bước sang tuổi 30, hiện đang sống và làm việc ở Singapore được gần 4 năm. Trước đó tôi sống ở Pháp khoảng 10 năm từ năm 15 tuổi đến khi tốt nghiệp Đại học.

 


"Khi bạn tham gia giải đấu để giành chiến thắng thì bạn sẽ phải tung ra 120% sức lực". Ảnh: Minh Quang

Cảm nghĩ của anh khi nhận được tin mình có suất tham gia giải VĐTG, niềm mơ ước của nhiều người chơi triathlon Việt Nam? Giải Subic Bay có tất cả 30 suất. Có phải các nhóm tuổi đều nhận được số suất đi giải VĐTG như nhau?

Giải Subic có 30 vé, chia theo các lứa tuổi tùy theo số lượng tham gia. Tôi nhớ là không có slot nào cho lứa tuổi 18-24. Lứa tuổi 34-39 được nhiều nhất và lứa tuổi 30-34 có 4 vé. Ironman dùng hình thức “roll-down”. Nghĩa là top 3 sẽ có quyền lấy slot đầu tiên, nếu từ chối hoăc đã có vé thì sẽ chia cho top sau.

Suất đi giải VĐTG rất bất ngờ đối với tôi. HLV của tôi theo dõi qua mạng và nhắn tin chúc mừng khi tôi hoàn thành và bảo rằng tôi nên nán lại chờ roll-down. Lúc đó tôi cũng không mặn mà cho lắm vì trễ giờ ra sân bay. Nhưng HLV tôi bảo có khả năng nên tôi mới nán lại.

Anh chơi ba môn phối hợp lâu chưa?

Tôi mới bắt đầu chơi thể thao được gần 4 năm. Trước đó, tôi chỉ chơi điện tử, chẳng bao giờ tập thể thao đến nỗi điểm thể dục tốt nghiệp cấp 3 có khi thấp nhất trường cũng nên.

Tôi bắt đầu tập chạy. Sau đó, tôi nghe nói có giải Ironman 70.3 ở Đà Nẵng tháng 5/2015 nên tôi bắt đầu mua xe đạp cách giải 4 tháng và bắt đầu học bơi cách giải có 3 tháng.

 

 


VĐV Phạm Minh Quang trên đường đua đạp xe ở Đà Nẵng, Ironman 70.3 Vietnam 2016. Ảnh: Thanh Phong

Vì sao anh chuyển sang chơi thể thao? Có phải vì béo phì giống như Ironman "Lâm sắt" không? Thường người ta đến với thể thao đều có mục đích ban đầu, như chỉ vì cô bạn gái thích chạy bộ nên chạy theo chả hạn?

Sau khi tốt nghiệp ở Pháp và nghỉ Tết ở Việt Nam trước khi sang Singapore làm việc, tôi tranh thủ để tóc để râu cho vui trước khi phải khoác sơ-mi cà-vạt. Một hôm, tôi ra tiệm cắt tóc để chỉnh lại đầu, anh thợ lại cắt hết cả tóc đi mất. Tức quá, tôi chạy một lèo qua cầu Long Biên rồi men theo sông Hồng, tính ra tổng cộng được khoảng 25km. Vì vậy, tôi nghĩ chắc mình có khả năng chạy marathon được nên bắt đầu tập luyện.

Sau đó, tôi đăng kia tham gia giải Danang International Marathon 2014 tổ chức vào tháng 8. Tôi không nhớ rõ mình chạy hết bao lâu nhưng kém lắm vì không tập đều đặn, đến gần ngày thi mới cuống lên chạy thử đến 35km rồi đi thì luôn. Giờ nhớ lại, tôi thấy tất cả sai lầm của dân nghiệp dư mình đều mắc phải.

Giải thi đấu chính thức đầu tiên của anh là giải nào?

Ironman 70.3 Vietnam 2015 là giải triathlon đầu tiên tôi tham gia. Hồi đó, tôi tập không theo giáo án cũng không khoa học nên kết quả tệ lắm nhưng đến nay năm nào tôi cũng tham gia. Trong khu vực Đông Nam Á, tôi thấy giải ở Đà Nẵng là hấp dẫn nhất. Biển trong xanh, đường lại đẹp nên đua rất thích.

 


Phạm Minh Quang trên đường đạp xe Subic Bay. Ảnh: Minh Quang

Anh có ý định tham gia giải Subic Bay từ bao giờ? Có phải để "phục hận" cho kết quả thi đấu không thành công lắm đối với VĐV Việt Nam xuất sắc nhất mùa trước?

Giải Ironman 70.3 Vietnam 2016 tôi tham gia cho vui là chính. Trong 3 năm đầu đi làm, tôi thường về nhà lúc 11 giờ đêm nên cũng không luyện tập được nhiều. Đi làm về sớm đối với tôi là 8 giờ tối, muộn có khi tới 6-7 giờ sáng hôm sau. Làm việc xong về tắm rửa rồi quay lại công ty làm tiếp. Rất khó để luyện tập dù rất mê.

Tuy nhiên, sau khi thấy 2 VĐV nhất nam và nữ người Việt có suất đặc cách tham dự giải VĐTG 2016, tôi bắt đầu lên kế hoạch để chính phục Ironman 70.3 Vietnam 2017 với mục tiêu là đứng đầu nhóm VĐV Việt Nam để được suất đặc cách như năm ngoái.

Vì sao anh chọn giải IM 70.3 Subic Bay? có phải vì chi phí rẻ, dễ đi lại hay còn nguyên nhân nào khác?

Khi đã chọn Ironman 70.3 Vietnam là giải chính thì tôi cần thêm 1 giải phụ để chuẩn bị. Tôi phân vân giữa IM 70.3 Subic Bay (12/3) với IM 70.3 Taiwan (19/3). Rồi, tôi gặp và chạy cùng Tim Reed (Đương kim VĐTG Ironman 70.3 2016 - PV) tại Singapore. Anh ấy bảo sẽ đi Subic nên tôi quyết định theo luôn.

Tim Reed đến Singapore theo lời mời của Ironman để tham gia giải Marathon Standard Chartered tháng 12/2016 vì đây là năm đầu tiên Ironman đứng ra tổ chức giải marathon này ở Singapore (Ironman đã mua lại quyền tổ chức giải Standard Chartered Marathon Singapore - một trong những giải marathon lớn nhất khu vực trong vòng 10 năm).

 

 


VĐV Phạm Minh Quang (trái) tại giải Da Nang Marathon 2014. Ảnh: DNIM

Anh tự tập hay có sự hướng dẫn của HLV? Nếu tự tập thì có theo plan nào không?

Sau Ironman 70.3 Đà Nẵng tôi cũng nghỉ việc ở công ty cũ. Trong lúc chờ bắt đầu công việc mới, tôi tranh thủ qua Thanyapura (Phuket) vừa để đi chơi vừa luyện tâp luôn. Đây được coi là thánh đường của dân Tri khu vực, điều hành bởi Chris McCormack. Tôi làm quen với khá nhiều VĐV pro và những người có suất tham gia giải VĐTG. Tôi được giới thiệu HLV Jon Fong người Singapore, từng vô địch bơi SEA Games. Tôi tập theo plan của HLV này trong 6 tháng, chuyên về đạp xe và chạy trên đường đồi núi, và giữ HR ở Zone 2 để tạo nền tảng.

Tiếp đó, tôi quen biết chị Phạm Thúy Vi, cựu VĐV ĐTQG, hiện đang làm HLV bơi ở Singapore. HLV Vi giúp tôi chỉnh sửa kỹ thuật bơi trong hơn 3 tháng. Mỗi tuần, tôi tập 1 lần để sửa động tác bơi. Nhờ đó, động tác bơi của tôi chuẩn và đẹp hơn nhiều hồi lúc mới học.

 


HLV Phạm Thúy Vi cùng các tuyển thủ Việt Nam

  

Sau đó tôi chuyển qua 1 HLV khác người Scotland là Colin ‘Shea. Colin là VĐV nghiệp dư hàng đầu ở Singapore, đã thắng rất nhiều giải trong khu vực và sẽ tham gia giải VĐTG Ironman 140.6 ở Kona năm nay. Với Colin, tôi bắt đầu luyện nhiều về tốc độ và tăng cường độ tập hơn. Ngoài ra, chúng tôi cũng dùng phần mềm Training Peak để theo dõi và phân tích quá trình tập luyên

 

Phạm Thúy Vi (cựu VĐV ĐTQG và HLV đội tuyển bơi TPHCM) hiện tại đang làm công tác huấn luyện tại Swimfast – một trong những CLB bơi mạnh nhất Singapore. Thúy Vi còn là thành viên chính thức trong ban huấn luyện đội tuyển bơi Singapore và HLV phó của đội tuyển nước này tại giải VĐTG năm 2014.

 


Phạm Minh Quang sau khi hoàn thành thi bơi ở Subic Bay. Ảnh: Minh Quang

Đường đua ở Subic Bay so với Đà Nẵng có gì khác biệt?

Đường bơi ở Subic khá đơn giản, bao gồm 1 vòng ra biển và trở về. Sóng không lớn lắm cộng với ít VĐV và trình độ khá đồng đều nên phần thi bơi diễn ra khá suôn sẻ. Không có cảnh giẫm đạp lên nhau. Tuy nhiên, vì mới tập bơi nên tôi chỉ biết thở bên phải. Đối với đường bơi theo chiều kim đồng hồ như ở Đà Nẵng thì đơn giản vì chỉ cần ngẩng mặt lên thở là tôi thấy dây phao để tìm đường. Nhưng ở Subic, đường bơi ngược chiều kim đồng hồ nên tôi bị bơi lệch khá nhiều.

Đường đạp ở Subic thì khó hơn Đà Nẵng nhiều. Tổng cộng các VĐV phải leo dốc khoảng 650m trên quãng đường 90km, hơn gấp 3 lần so với Đà Nẵng. Chỗ dốc nhất khoảng 140m trải dài 2km, đạp ngược gió nên khá mệt. Sau đó là leo đồi từ km 20 đến 45. Chiều về thì đơn giản hơn vì xuống dốc và thuận gió.

Tuy nhiên, đường đạp ở Subic đang được tu sửa nên phần lớn quãng đường rất xóc và toàn đá dăm. Như vậy, leo dốc đã mệt và xuống dốc cũng không thể chạy nhanh. Cũng vì thế mà chuyện đánh rơi bình nước không phải ít. Bản thân tôi cũng mất ngay túi muối ở km đầu tiên nên phải dùng muối dự trữ của phần chạy để nạp. Nhưng sau đó, tôi cũng đánh rơi mất luôn.

Thiếu muối và gel mang theo cũng không đủ cho 21km chạy nên tôi phải tính toán dùng cho hợp lý. Vì thế, phần chạy tôi không thể bung hết sức vì sọ bị chuột rút giữa chừng

 

 


Phạm Minh Quang và đương kim VĐTG Ironman 70.3 2016 Tim Reed tại Singapore. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tôi biết ngoài các gương mặt quen ở IM 70.3 Vietnam mùa trước như Tim Reed, Van Berkel, Caroline Steffen, Radka Kahlefeldt...thì còn có những tượng đài lớn hơn như Craig Alexander (Australia, 3 lần VĐTG IM 140.6, 2 lần VĐTG IM 70.3), Michael Raelert (Đức, VĐTG IM 70.3 2 năm liên tiếp)...anh có cơ hội gặp ai trong số này và rủ họ sang Việt Nam tháng 5 thi đấu không?

Rất tiếc vì thời gian hạn hẹp nên tôi lỡ mất buổi giao lưu với VĐV chuyên nghiệp. Đậy là giải tôi đi để luyện tập nên tôi không dành nhiều thời gian nghỉ ngơi mà bay đến Philippines trong đêm thứ 6 và quay về Singapore trong đêm Chủ nhật luôn.

Mục tiêu của anh ở IM 70.3 Vietnam 2017?

Trước giải Subic Bay, giải Ironman 70.3 Vietnam 2017 là mục tiêu cao nhất của tôi. Nhưng vì tôi đã có được suất đi giải VĐTG nên tôi sẽ đến Đà Nẵng với mục đích tận hưởng không khí của giải trong lúc tham gia, điều mà 2 năm qua tôi chưa làm được. Khi bạn tham gia giải đấu để giành chiến thắng thì bạn sẽ phải tung ra 120% sức lực và sẽ không có điều kiện để tận hưởng niềm vui khi thi đấu và về đích

Anh thấy trong số các VĐV Việt Nam, có những đối thủ nào đáng gờm trong tháng 5 tới đây?

Năm ngoái, tôi nhớ chỉ có anh Phương (nam VĐV người Việt xuất sắc nhất - PV) đạt thành tích "sub 6" (hoàn thành dưới 6 giờ). Năm nay, tôi nghĩ không dưới 20 người có thể đạt mốc thời gian này. Đây là điều tôi thích nhất trong thể thao. Chỉ cần một người phá bỏ giới hạn thì rất nhiều người cảm thấy họ có khả năng làm điều tương tự. Tôi dám chắc năm sau Việt Nam sẽ có nhiều suất đi tham gia giải VĐTG Ironman.

 


Phạm Minh Quang trên đường chạy Singapore Marathon

Anh có thần tượng hay hay lấy ai đó làm nguồn cảm hứng, động lực chơi triathlon không?

Thần tượng của tôi là Chrissie Wellington. Người từng 4 lần lên ngôi VĐTG. Cô ấy mạnh đến nỗi thi đấu dưới cái nóng của Hawaii mà vẫn nở nụ cười trong suốt quá trình đua và  vượt xa các đối thủ khác.

Ngoài Chrissie Wellington thì tôi cũng lấy cảm hứng từ Jon Blais. VĐV không chuyên không có chút thành tích gì. Jon Blais bị chứng teo cơ ALS. Trước khi chết, anh ấy đã kịp hoàn thành giải VĐTG ở Kona với khẩu hiệu dù có phải lăn tôi cũng sẽ lăn về đích. Và sau đó, anh ấy lăn về đích khi cách đích vài mét. Rất nhiều VĐV lấy cảm hứng từ đó và ăn mừng về đích kiểu "Blazeman roll".

Ở Singapore, Philippines đã có một số VĐV chơi phong trào đã có thể sống bằng niềm đam mê triathlon thông qua các nhà tài trợ, anh có ý nghĩ một lúc nào đó mình đi theo con đường chuyên nghiệp không? Benedict Augusto, VĐV pro của chủ nhà Philippines và cũng là VĐV châu Á có thành tích tốt nhất 4 giờ 25 phút, xếp hạng 19 chung cuộc.

Tôi chưa nghĩ tới việc theo con đường chuyên nghiệp. Ước gì tôi luyện tập từ sớm hơn và không phí thời gian chơi game thì có lẽ tôi sẽ nghĩ tới (cười). Hiện tại, tôi chỉ tập trung cho giải VĐTG tháng 9 ở Mỹ với mục tiêu đạt PR (kỷ lục cá nhân - PV). 

Anh có lời khuyên nào đối với những người muốn tham dự giải Subic Bay năm sau & muốn có vé tham dự giải VĐTG như anh?

Bạn nên tập trung tạo sức bền và thích nghi với môi trường đồi núi. Tôi thấy ở Hà Nội đường khá bằng phẳng nên các VĐV mình không có điều kiện tập hill training và kinh nghiệm sử dụng líp cho địa hình đồi cũng chưa tốt

Bên cạnh đó, bạn nên tập chạy hill training nữa. Đường đua ở Đà Nẵng được dánh giá là dễ dàng nhưng các đường đua ở khu vực đều có elevation cao. Nếu không có điều kiện tập với dốc có theo tập leo thang hoặc leo cầu.


Phạm Minh Quang (trái) nhận những gói gel từ người bạn đạp xe 20km mang tới tại Singapore Marathon. Ảnh: Nhân vật cung cấp

  

 

Anh đã nghĩ ra mình sẽ mang theo gì khi tham dự giải VĐTG ở Mỹ tháng 9 tới chưa? một chiếc nón Việt Nam hay những tấm bưu thiếp về hang Sơn Đoòng, Tú Làn, nơi quay phim Kong chả hạn?

Về món đồ mang tới giải VĐTG và giới thiệu bạn bè quốc tế tôi xin nhờ độc giả Webthethao và bạn bè tôi cho gợi ý. Chúng ta còn 6 tháng để chuẩn bị.

Như đã nói ở trên, năm ngoái tôi nhìn anh Phương ở giải Đà Nẵng và chú Thu ở giải Challenge Vietnam (Nha Trang) để luyện tập kiếm suất đi Ironman 70.3 World Championship hay Challenge Roth. Tôi hi vọng sẽ có nhiều người Việt Nam đoạt suất đi VĐTG vào năm sau với thành tích cao hơn nhiều thành tích năm nay của tôi. Đây là vẻ đẹp của thể thao.

Cảm ơn anh. Chúc anh sớm hồi phục thể lực & hoàn thành mục tiêu ở tháng 5 tới tại Đà Nẵng.

 

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội