Olympic 2016: Anh em nhà Brownlee vẫn không có đối thủ

thứ sáu 19-8-2016 0:58:53 +07:00 0 bình luận
Ở kỳ Olympic thứ 2 liên tiếp, anh em nhà Brownlee không có đối thủ xứng tầm khi đôi này dễ dàng mang về HCV và HCB cho đội tuyển Anh ở nội dung triathlon nam.

Ở kỳ Olympic thứ 2 liên tiếp, Alistair và Jonathan - anh em nhà Brownlee không có đối thủ xứng tầm khi đôi này dễ dàng mang về HCV và HCB cho đội tuyển Anh ở nội dung triathlon (ba môn phối hợp) nam.

Tổng cộng có 55 VĐV đến từ 31 quốc gia tham gia tranh tài ở ba môn phối hợp. Môn triathlon ở Olympic chỉ có 2 bộ huy chương cá nhân nam, nữ. Rio 2016 là kỳ Olympic thứ 5 có ba môn phối hợp trong chương trình thi đấu kể từ Sydney 2000.

Trong 5 kỳ tổ chức, đây là lần thứ 3 các VĐV thi đấu môn bơi mà không mặc đồ bơi giữ nhiệt (wetsuit), tương tự Athens 2004 và Beijing 2008. Đồng thời, đây còn là lần đầu tiên môn bơi xuất phát bên bờ biển.


Bờ biển Copacabana, nơi tổ chức thi ba môn phối hợp

Nhưng cách đây 1 tháng, Javier Gomez - ứng cử viên hàng đầu cho chiếc HCV Rio 2016 đã buộc phải chia tay Olympic sớm do chấn thương trong khi luyện tập. Sự vắng mặt của Javier Gomez khiến anh em nhà Brownlee mất đi một đối thủ xứng tầm.

Bởi lẽ, Javier Gomez và anh em nhà Brownlee là 3 người đứng lên bục cao nhất ở London 2012, khi VĐV người TBN giành HCB. Javier Gomez còn là một trong số ít VĐV ba môn phối hợp toàn diện nhất thế giới. Anh chơi tốt cả ba môn phối hợp cự ly dài (113km) và trung bình (chuẩn Olympic 51,50km). Đáng tiếc là anh không thể có mặt ở Olympic lần thứ 3.


Sơ đồ đường đua môn triathlon tại Olympic 2016

Địa điểm thi đấu ba môn phối hợp ở Olympic 2016 nằm bên bãi biển Copacabana nổi tiếng. Để hoàn thành 3 môn thi, các VĐV sẽ bơi 1,5km (1 vòng ngược chiều kim đồng hồ), đạp xe 40km theo cung đường lặp gồm 8 vòng, mỗi vòng 5km và chạy 10km (4 vòng, mỗi vòng 2,5km).

Cung đường đua dành cho xe đạp không hề bằng phẳng mà có dốc, đủ để làm khó các VĐV. Do vậy, các VĐV sẽ tốn không ít sức lực để vượt qua con dốc này 8 lần.


Vị trí xuất phát môn bơi của các VĐV

Rio 2016 là Olympic đầu tiên, môn bơi xuất phát ngay tại bãi biển

Ở môn bơi, Varga (Slovakia) là người đầu tiên lên bờ sau hơn 17 phút. Anh em nhà Brownlee dù không có trong Top 3 người bơi nhanh nhất nhưng cũng bám rất sát nhóm đầu. 

VĐV bơi nhanh nhất trong lịch sử Olympic (không dùng wetsuit) là Andy Potts tại Athens 2004 với thời gian 17 phút 49 giây.

Chuyển sang nội dung xe đạp, Varga cùng anh em nhà Brownlee nhanh chóng tách tốp tạo thành một nhóm khoảng 10 VĐV, trong đó gồm cả Kanute (Mỹ), Van Reil (Bỉ), Salvisberg (Thụy Sĩ), Fabian (Italia), Royle (Australia), V.Luis (Pháp), Schoeman (Nam Phi).

Đặc biệt, Luis được giới chuyên môn đánh giá là 1 trong 5 ứng cử viên có thể cạnh tranh được với anh em nhà Brownlee. Luis từng về nhì trong giải Tiền Olympic được tổ chức ở Rio hồi năm ngoái.


Con dốc trên đoạn đường 5km (1 vòng) đủ làm khó các VĐV

Top 10 người dẫn đầu dần bỏ xa nhóm sau gần 1 phút rưỡi. Trong nửa quãng đường đầu tiên, vận tốc trung bình của tốp đầu đạt khoảng 42,8km/h.

Thời gian trung bình môn bơi khi mặc wetsuit là 17 phút 57 giây, không mặc wetsuit là 18 phút 11 giây.


Các VĐV tốp đầu chuẩn bị rời khỏi T2

Varga một lần nữa là người hoàn thành môn đạp xe sớm nhất. Anh là người đầu tiên ra khỏi khu T2. Theo sau là 9 VĐV nối gót. Tuy nhiên, lợi thế của Varga gần như không đáng kể.


Vận tốc trung bình của các VĐV hơn 40km/h

Chuyển sang môn chạy, anh em nhà Brownlee mới thể hiện rõ sức mạnh vượt trội của mình. Họ nhanh chóng tăng tốc tách khỏi tốp 10 người, kéo theo V.Luis. VĐV người Pháp bị cuốn theo tốc độ của nhà Brownlee và chỉ có thể theo được một đoạn ngắn rồi tụt lại phía sau.


Anh em nhà Brownlee không có đối thủ xứng tầm khi chạy

Đến lúc này anh em nhà Brownlee tự do sải những bước chạy dài thênh thang chỉ có 2 người. Những tưởng Alistair và Jonathan sẽ cho khán giả chứng kiến một cuộc chiến "huynh đệ tương tàn" khốc liệt bởi hai anh em bám nhau như hình với bóng suốt 2 vòng đầu.


Alistair Brownlee (số 5) duy trì tốc độ chạy trên đường khó ai theo kịp

Tuy nhiên, người em Jonathan không thể "núp gió" sau những bước chân mạnh mẽ của anh mình khi cách đích còn khoảng 3km (hơn 1 vòng). Cuộc chiến giữa hai anh em ngã ngũ quá sớm. 


Alistair Brownlee trở thành VĐV ba môn phối hợp đầu tiên bảo vệ thành công HCV Olympic

Sau 1 giờ 45 phút 01 giây, Alistair đã một mình cán đích. Trong khi gần về đến đích, anh vừa vẫy tay chào khán giả vừa chạy chậm dần, có ý nán lại đợi người em trai Jonathan. Theo bảng kết quả, Jonathan về đích chậm hơn anh mình 6 giây nhưng trên thực tế, khoảng cách giữa 2 người khoảng 30 giây.

VĐV về thứ 3 là Schoeman. VĐV Nam Phi này đã kịp tăng tốc ở giai đoạn cuối. Varga - VĐV lần lượt về nhất phần bơi và đạp xe nhưng... mất hút trong Top 10 chung cuộc.


Anh em nhà Brownlee 2 kỳ liên tiếp đứng lên bục cao nhất cùng nhau

Như vậy, anh em nhà Brownlee vẫn tiếp tục thống trị môn ba môn phối hợp nam ở kỳ Olympic thứ 2 liên tiếp. Alistair Brownlee đi vào lịch sử với tư cách VĐV ba môn phối hợp đầu tiên bảo vệ thành công chức vô địch cùng 2 HCV.

Ngoài Top 3, một số gương mặt đáng chú ý còn có Joe Maloy và Ben Kanute (cùng ĐT Mỹ). Maloy là nhà vô địch giải Triathlon Alcatraz Escape Triathlon 2016 còn Kanute giành giải 3 ở "cuộc vượt ngục" trên.  Joe Maloy chỉ xếp thứ 23 và là VĐV Mỹ có thứ hạng cao nhất. Kanute xếp hạng 29 chung cuộc.

Trong hệ thống các giải ba môn phối hợp thế giới WTS, anh em nhà Brownlee từng sánh đôi nhất-nhì tổng cộng 6 lần, gồm cả 2 lần ở Stockholm và Leeds năm nay.

Kết quả chung cuộc Top 10:

1. Alistair Brownlee (GBR) 1:45:01

2. Jonathan Brownlee (GBR) 1:45:07

3. Henri Schoeman (RSA) 1:45:43

4. Richard Murray (RSA) 1:45:50

5. João Pereira (POR) 1:45:52

6. Marten Van Riel (BEL) 1:46:03

7. Vincent Luis (FRA) 1:46:12

8. Mario Mola (ESP) 1:46:26

9. Aaron Royle (AUS) 1:46:42

10. Ryan Bailie (AUS) 1:47:02

Một số cột mốc đáng chú ý của anh em nhà Brownlee:

Alistair Brownlee (sinh năm 1988)

HCV Olympic 2012

3 lần VĐ châu Âu

2 lần VĐTG ba môn phối hợp cá nhân, 2 lần VĐ đồng đội

Jonathan Brownlee (sinh năm 1990)

HCĐ Olympic 2012

1 lần VĐTG ba môn phối hợp 2012

2 lần VĐTG cự li ngắn (cự li nửa chuẩn Olympic: bơi 750m, đạp 20km, chạy 5km)

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội