Jon Jones, cocaine và những scandal tệ hại của nhà vô địch
Jon "Bones" Jones xuất thân từ một gia đình mê bóng bầu dục Mỹ, với hai người anh em trong gia đình đang thi đấu bóng bầu dục. Thế nhưng Jon Jones lại chọn cho mình một con đường hoàn toàn khác khi mê mẩn những trận đánh trên internet và bắt đầu luyện võ từ năm 14 tuổi.
Năm 2007, sau khi có một đứa con ngoài kế hoạch, Jon Jones bắt đầu tham dự đấu trường MMA chỉ với mong muốn đơn giản là kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống. Giai đoạn đầu của Jon Jones tại UFC hết sức tuyệt vời. Cùng với những chiến thắng, "Bones" nhanh chóng trở thành một ngôi sao trong lòng khán giả. Jon Jones còn từng dũng cảm bắt trộm ngay trên phố chỉ vài giờ trước khi anh hạ gục cựu vương Shogun Rua tại UFC 128.
Thế nhưng Jon Jones chưa bao giờ nổi tiếng nhờ những hành động tốt. Nhà "vô địch hút cần" chỉ khét tiếng với những màn tiệc tùng hút xách, đua xe, chửi cảnh sát, thậm chí từng vào tù ra tội.
Jon Jones chỉ khét tiếng với những màn tiệc tùng hút xách, đua xe, chửi cảnh sát, thậm chí từng vào tù ra tội
Tháng 2/2015, chỉ gần 1 tháng sau chiến thắng trước Daniel Cormier, Jon Jones bị Ủy ban phòng chống doping Mỹ (USADA) "rút thẻ vàng" cảnh cáo sau khi phát hiện dấu vết của cocaine trong mẫu thử.
Dù Jon Jones không phạm luật do USADA không cấm anh sử dụng cocaine sau trận đấu, đó vẫn là thời điểm mà hình ảnh của Jon Jones bắt đầu xuống dốc không phanh.
Thú nhận mình là một con nghiện, Jon Jones nói với báo giới rằng anh đã cố cai nghiện, cố trở lại với lối sống lành mạnh và rằng anh chỉ dùng chất gây nghiện do cuộc sống quá căng thẳng. Mọi chuyện có lẽ đã êm thấm nếu như vài tháng sau Jon Jones không gây tại nạn giao thông trong trạng thái phê cần.
Theo báo cáo của cảnh sát, Jon Jones đã lao ra đường trong khi vượt đèn đỏ, gây tai nạn liên hoàn, trong đó bị thương nghiêm trọng nhất là một phụ nữ đang mang thai. Jon Jones đã bỏ chạy khỏi hiện trường, chỉ đầu thú với cảnh sát vài giờ sau đó.
Nhà vô địch đổ lỗi cho rượu. Dù vậy cảnh sát vẫn lục soát được một gói cần sa và một ống tẩu trong xe của anh.
Vụ việc này gây chấn động đến độ Chủ tịch UFC Dana White và hai ông chủ nhà Fertitta của UFC lúc đó phải vội vàng bay từ Las Vegas đến New Mexico để tước đai của Jon Jones. Cuối cùng, tuy không phải vào tù, Jon Jones vẫn phải thi hành 18 tháng quản thúc tại gia. Sau vụ đâm xe, Jon Jones dính thêm án đua xe và chửi bới cảnh sát là "đồ con lợn" trước khi trở lại với UFC vào giữa năm 2016.
Dù vậy, sau khi giành một chiến thắng trước Ovince Saint Preux, phiên bản "cải tà quy chính" của Jon Jones có vẻ đã sẵn sàng đối đầu với Daniel Cormier để giành lại đai vô địch Light Heavyweight tại UFC 200.
Đáng tiếc, hy vọng của khán giả lại một lần nữa biến thành thất vọng. Theo thông báo từ phía USADA, Jon Jones đã dính doping trong mẫu xét nghiệm vào ngày 16/6/2016. Hai chất cấm mà Jon Jones bị dương tính là Hydroxy-clomiphene và Letrozole metabolite, theo nhiều lời đồn đoán là có nguồn gốc từ một viên thuốc cường dương Cialis. Được giảm án phạt, Jon Jones chính thức được thi đấu trở lại từ giữa tháng 6/2017.
Lần kế tiếp là sau khi đánh bại Daniel Cornier hồi tháng 7 năm ngoái, Jon Jones tiếp tục bị Ủy ban phòng chống doping Mỹ sờ gáy. Tuy nhiên, sau quá trình hợp tác điều tra tích cực từ phía Jon Jones, Ủy ban quyết định giảm án phạt và cho phép Jon Jones quay lại thi đấu từ tháng 10/2018.
Với độ "quậy" không cần phải kể ví dụ, Jon Jones chỉ cần dính vào một nghi án chất cấm là ngay lập tức bị cả cộng đồng MMA ném đá
"Tôi nghĩ mọi người nên nhìn vào khoa học chứ không chỉ trỏ vào ai đó và nói "Ồ anh ta đang gian lận". Ủy ban phòng chống doping Mỹ là tổ chức hàng đầu và giám sát những VĐV hàng đầu thế giới, họ chưa mắc sai lầm bao giờ," Jon Jones "nhắc nhở" người hâm mộ.