Review Ferguson vs. Gaethje: Khi “một màu” gặp đúng khắc tinh
Kết thúc 7 năm bất bại, 12 trận toàn thắng của Tony Ferguson, Justin Gaethje chính thức chiếm lại vị trí tranh đai số 1 của đối thủ với chức vô địch Interim Lightweight. Không những thế, “Highlight” còn là người đầu tiên thắng knockout kĩ thuật (TKO – technical knockout) được võ sĩ lì lợm như Tony.
Sau trận đấu, có nhiều bình luận về những diễn biến cùng màn thể hiện của hai võ sĩ. Với những ý kiến như đây là sự xuất sắc của Gaethje, hay đơn giản là một Tony Ferguson chủ quan hoặc lúng túng do thay đổi đối thủ quá bất ngờ.
Trước trận đấu
Để nói về quá trình chuẩn bị, trên thực tế tình hình dịch bệnh COVID-19 khiến cả UFC cũng trở tay không kịp. Với những lần sự kiện UFC 249 bị lần lượt các bang New York, Nevada và California từ chối.
Tony Ferguson bước vào UFC 249 với tâm thế chuẩn bị cho Khabib. Tuy nhiên đối thủ cuối cùng lại là Justin Gaethje – một võ sĩ có lối đánh trái ngược với nhà vô địch. “Highlight” ưa thích những trận đôi công bằng các đòn tay nặng, sử dụng phá trụ (lowkick) hơn là chủ động kéo trận đấu xuống sàn.
Trong 3 tuần, Tony Ferguson cũng phải trải qua 2 lần cắt cân liên tiếp. Trong đó, thời điểm 18 tháng 4 là anh “tự nguyện” cắt cân dù không phải thượng đài. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của Tony trước trận đấu.
Về phía Justin Gaethje, cựu vô địch WSOF cũng hoàn toàn không có một khóa huấn luyện đầy đủ nào tới đầu tháng 4 khi biết mình thay thế Khabib. Thậm chí, khi UFC 249 được dời sang ngày 9 tháng 5, Justin Gaethje cũng hoàn toàn bất ngờ trước thông tin này.
Có thể thấy, Justin Gaethje cũng gặp lúng túng vì những biến động của UFC 249 tương tự như Tony Ferguson. Nhận đối thủ bất ngờ, không có một kì tập luyện (training camp) đầy đủ, thay đổi lịch thi đấu liên tục, đây là những bất lợi mà Gaethje phải chấp nhận trước khi bước vào trận đấu.
Không có một thời gian chuẩn bị đầy đủ với một đối thủ nguy hiểm như Tony Ferguson, Justin Gaethje đã bước vào trận đấu quan trọng nhất sự nghiệp như thế nào ???
Trong trận đấu
Trước khi nói về những diễn biến của trận đấu, cần nhìn lại những bộ kĩ năng (skillset) của từng võ sĩ để biết được họ sẽ mang gì vào trận đấu.
Tony Ferguson: đai đen BJJ với khả năng khóa siết trình độ cao; có nhiều vũ khí khi đánh đứng (striking) nhưng kĩ chiến thuật không hoàn hảo và có nhiều sơ hở; thể lực và sức chịu đòn tốt.
Justin Gaethje: cựu All American Wrestler với thể lực ở mức khá; kĩ năng boxing và lowkick uy lực; chiến thuật đánh cẩn trọng và cải thiện trong 3 trận gần nhất không còn “bán máu” như trước.
Trên các cộng đồng MMA thế giới, tỉ lệ bình chọn Tony Ferguson chiến thắng luôn ở mức cao. Thậm chí có những cuộc khảo sát chỉ 15-20% khán giả tin vào cơ hội của Justin Gaethje. Điều này chủ yếu đến từ những đánh giá về lối đánh trước đây của “Highlight”: đôi công, sẵn sàng chịu đòn và tiêu hao rất nhiều thể lực.
Tuy nhiên, Justin Gaethje bước vào trận đấu này cẩn trọng hơn rất nhiều. Có thể thấy anh quyết định nhường sàn đấu cho Tony Ferguson, trong 2 hiệp đầu tiên, Tony là người ép sân và chủ động ra đòn.
Chiến thuật “nhường sân”, lowkick và phản đòn
Đây cũng là lúc Gaethje áp dụng kĩ năng sở trường của mình là phản đòn bằng Boxing mạnh mẽ của mình. Tony có thể là người đánh nhiều đòn trúng đích hơn trong hiệp 1, 3 và 4 nhưng có thể thấy rõ qua diễn biến trận đấu, Justin Gaethje mới sở hữu những cú đấm uy lực khiến đối thủ bị choáng “stun”.
Thế nhưng, đó chưa phải điểm mấu chốt. Dù đã “stun” được Tony, Justin Gaethje không hề tham lam đuổi theo cho những cú knockout. Đây là điều những võ sĩ từng “knock” được Tony mắc phải: luôn tìm cách đánh gục triệt để một tay đấm lì lợm như Tony rồi cuối cùng tự khiến thể lực mình suy kiệt, Anthony Pettis, Josh Thompson, Edson Barboza… là những ví dụ điển hình.
Chính vì thế, mỗi lần đẩy lùi được Tony, Justin Gaethje quyết định không đuổi theo mà giữ trận đấu ở nhịp độ chậm. Cùng với những cú phá trụ đẩy bay chân Tony khỏi mặt sàn, “Highlight” dần khiến những bước di chuyển của “Ông Kẹ” thiếu thanh thoát và biến hóa như các trận đấu trước đây.
Chậm mà “chắc”
Câu hỏi về thể lực của Justin Gaethje khi đối đầu võ sĩ với bình xăng vô hạn đã được giải. Trong tất cả các trận đấu của mình, Gaethje đã chứng minh sự nguy hiểm từ kĩ năng “dirty boxing” – những đòn đấm ở cự li áp sát với tốc độ cao và uy lực mạnh. Mỗi lần Tony áp sát, thói quen cúi đầu rút lui chết người của anh phải trả giá khi Gaethje tung ra cú móc trái sở trường.
Những cú jab, lowkick không hiệu quả, Tony Ferguson gần như bế tắc hoàn toàn khi đôi công striking với Justin. Chưa kể, sở trường đẩy cao nhịp độ trận đấu bằng bộ pháp khó đoán cũng không thể phát huy, bởi đôi chân của Tony đã chậm đi nhiều sau từng cú phá trụ của Justin Gaethje.
Khóa chặt mọi kĩ năng striking, Justin Gaethje cũng khóa luôn cả kĩ năng khóa siết của “Ông Kẹ”. Nỗ lực “quật ngã” duy nhất của Tony là pha Imanari Roll thậm chí còn không chạm tới cơ thể của đối phương. Không đưa được một võ sĩ có trình độ Wrestling đạt đẳng cấp “All American” – đẳng cấp cao nhất ở các trường ĐH Mỹ xuống sàn, chiếc đai đen BJJ của Tony cũng trở nên vô hình.
KẾT
Trước đây, các đối thủ của Tony Ferguson đều từng không ít lần đánh ngã được võ sĩ này. Tuy nhiên họ gặp phải vấn đề: bị cuốn vào nhịp độ của Tony và tự tiêu hao thể lực bản thân để thành mục tiêu cho Tony thoải mái phô diễn kĩ thuật.
Trên thực tế, kĩ năng của Justin Gaethje và Tony Ferguson không thay đổi nhiều trước trận đấu bởi việc chấp nhận một đối thủ bất ngờ. Thành công lớn nhất của Gaethje trong chiến thắng lần này là áp dụng chiến thuật đơn giản. Phản đòn cẩn trọng, hiệu quả và uy lực; khóa di chuyển, không cuốn theo nhịp độ; chặn đứng kĩ năng khóa siết, Justin Gaethje đều có đủ vũ khí để làm điều đó với Tony. Tất cả những gì “Highlight” đã làm là tuân theo một chiến thuật hợp lí để khắc chế đối thủ.