Việt Nam ơi, xin đừng huyễn hoặc ngay cả khi đang "bay" cùng HLV Park Hang Seo!
Sau những giai đoạn chìm trong bóng tối, bóng đá Việt Nam đã có dịp “nở mày, nở mặt” kể từ khi HLV Park Hang Seo lên nắm quyền. Ông đưa U23 Việt Nam lên ngôi Á quân VCK U23 châu Á 2018 và đã giành vé vào VCK U23 châu Á 2020.
Ở cấp độ ĐTQG, nhà cầm quân người Hàn Quốc cùng ĐT Việt Nam lên ngôi vô địch AFF Cup 2018 và lọt vào đến tứ kết Asian Cup 2019. Cùng với đó, Olympic Việt Nam vào đến bán kết ASIAD 2018. Tất cả đó đưa bóng đá Việt Nam lên một tầm vóc mới.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào góc độ thành công ở một vài giải đấu ở cấp độ các ĐTQG để bảo rằng, bóng đá Việt Nam đã và đang thành công thì đó là điều khá huyễn hoặc.
Chính HLV Park Hang Seo từng nói rằng, muốn có một ĐTQG phát triển bền vững, chúng ta cần có một giải quốc gia chuyên nghiệp. “Một giải quốc gia chuyên nghiệp”, đó là điều mà thầy Park nhắn gửi. Ấy thế, gần 20 năm qua, sự chuyên nghiệp chỉ gói gọn trong đúng cái tên “các giải chuyên nghiệp quốc gia”.
Theo đó, AFC thống kê rằng, chỉ có 5/14 đội bóng V.League đạt chuẩn chuyên nghiệp gồm: Hà Nội, Thanh Hoá, Sông Lam Nghệ An, Than Quảng Ninh và SHB Đà Nẵng. Con số này khiến tất cả phải giật mình bởi nếu soi chiếu trong hệ thống các giải chuyên nghiệp quốc gia thì chỉ có đúng 5/26 đội đạt chuẩn.
Những câu chuyện tréo ngoeo xảy ra trước đó khi nhà vô địch V.League 2017 không tham dự sân chơi châu lục vì không đủ chuẩn còn Thanh Hóa phải thuê sân Mỹ Đình làm sân nhà vì sân Thanh Hóa không đủ chuẩn.
V.League thì ngày càng mất giá trầm trọng. Mới nhất, theo bảng xếp hạng các giải vô địch quốc gia ở châu Á, V.League chỉ đứng thứ 22 và đứng thứ 5 khu vực Đông Nam Á, sau Thái Lan, Philippines, Singapore và Malaysia. Tức là, V.League chỉ hơn Myanmar, Lào, Campuchia, Brunei, Indonesia.
Ông Trần Anh Tú, Chủ tịch VPF, đơn vị tổ chức các giải vô địch quốc gia, lý giải: “Ở đấu trường AFC Cup, chúng ta mới chỉ có Bình Dương đạt được thành tích tốt, nhưng đã từ rất lâu rồi. Vấn đề làm sao để cải thiện thứ hạng của bóng đá Việt Nam không chỉ có VFF, VPF mà bản thân các câu lạc bộ phải nâng tính chuyên nghiệp lên.
Trước tiên là cần đảm bảo đầy đủ các tiêu chí của AFC. Muốn nâng cao chất lượng của bóng đá Việt Nam, phải là sự chung tay của toàn hệ thống, việc tổ chức giải chỉ là một trong số những khâu có thể đưa bóng đá chuyên nghiệp hơn”.
Chính các nhà tổ chức thừa nhận hạn chế để đưa bóng đá Việt Nam thực sự chuyên nghiệp. Đó là điều mà những người làm bóng đá nhìn vào đó để thấy rõ những tồn tại thay vì cứ huyễn hoặc về các thành tích của các ĐTQG trong hơn hơn năm qua.