CĐV SLNA: Tình yêu & Tấn bi kịch
Từ TP.HCM đến Đà Nẵng hay Hà Nội, Hội CĐV xứ Nghệ đều có mạng lưới phủ khắp. Đi đến đâu, thầy trò HLV Ngô Quang Trường cũng được tung hô và các trận đấu có SLNA, giống với “sân khấu ngoại hạng”. Khác biệt so với những năm trước đó là: Không chỉ đông đảo, CĐV xứ Nghệ còn biết tạo ấn tượng với những phong cách cổ vũ rất chuyên nghiệp trên các khán đài.
CLB SLNA, cả V.League nhờ họ mà hấp dẫn hơn. Mô hình các CĐV Nghệ An đang làm được Thanh Hóa và nhiều đội bóng khác áp dụng, làm cho V.League ít nhiều còn có sự lôi cuốn. Khán giả đến sân bằng chính tình yêu, niềm đam mê thay vì mang tính hiệu ứng như các trận đấu có HA.GL.
Yêu bằng thứ tình cảm không so đo, nên kể cả khi SLNA tạo ra “cú sốc” ở Gia Lai thì người Nghệ vẫn hết mình với đội bóng. Bằng chứng là sau đó, số đông vẫn vượt hàng trăm cây số từ TP.HCM để có mặt ở Cần Thơ cổ vũ cho đội bóng con cưng. Lại là hồ nghi, sự thất vọng và nước mắt rơi nhưng kể cả khi Hội CĐV tuyên bố tẩy chay thì ở trận đấu với SHB.Đà Nẵng, nhiều người Nghệ vẫn đến cổ vũ hết mình bởi bóng đá như đã gắn vào máu thịt họ.
Yêu là chấp nhận nỗi đau và bi kịch. CĐV xứ Nghệ hiểu điều đó và tự an ủi với suy nghĩ, một đội bóng luôn có những giai đoạn khác nhau và năm 2015 là “nốt trầm” của SLNA.
Cũng may, NHM xứ Nghệ có tình yêu bóng đá bất tận, thứ “tài sản” lớn để họ vẫn đứng vững sau một mùa giải “bão táp” mà những con sóng ngầm, đôi khi lại do những người trong cuộc tạo ra.
Có cái gì đó… bất công nhưng phải nén nỗi niềm để tiếp tục tình yêu, bởi với bóng đá xứ Nghệ lúc này có lẽ mọi thứ chưa thể khác.
LÂM VŨ