Long An và nỗi lo về mô hình kiểu Nhật
Dù giành được tấm vé trụ hạng sau chiến thắng 1-0 trước Viettel nhưng Long An đang gặp nhiều khó khăn trong mùa bóng mới, nhất là chuyện kinh phí.
Bài toán kinh phí
Qua trao đổi, Chủ tịch CLB Long An ông Võ Thanh Nhiệm cho biết: "Sau một mùa bóng khó khăn, chúng tôi sẽ phải bổ sung một số vị trí mới do các cầu thủ lớn tuổi đã hết hợp đồng. Điều quan trọng nhất bây giờ là kinh phí khi chúng tôi có nhiều khó khăn để tìm sự hỗ trợ của các doanh nghiệp về kinh phí cho mùa bóng mới...".
Theo đó, ông Võ Thành Nhiệm thẳng thắn cho biết việc lấy tên đội bóng là Long An nhằm vận động các doanh nghiệp cùng sức làm bóng đá cho tỉnh nhà. Tuy nhiên, quá trình vận động vẫn đang khó khăn để có thể tìm được nguồn kinh phí cho mùa bóng mới.
Khả năng rất lớn là Long An phải chờ sự hỗ trợ kinh phí từ Tỉnh trong mùa bóng mới. Nguyên nhân xuất phát ở nguồn kinh phí vận động từ các doanh nghiệp vẫn không thấy khả quan như sự kỳ vọng ban đầu.
Trải qua mùa bóng phải trụ hạng vất vả, Long An đã thanh lý 2 ngoại binh, có một số gương mặt lớn tuổi hết hợp đồng. Đội chủ sân Tân An phải chuẩn bị một nguồn kinh phí lớn nhằm tái thiết lại đội bóng, tránh đạp lên vết xe đổ mùa này với lực lượng còn khá yếu trước phần còn lại của V.League.
Từ những chia sẻ và sự trăn trở của Chủ tịch Võ Thành Nhiệm, có thể thấy Long An sẽ còn gặp nhiều vấn đề trong thời gian chuẩn bị cho mùa bóng 2017. Kinh phí là bài toán đau đầu lớn nhất của đội chủ sân Tân An nếu muốn tái thiết đội bóng.
Nỗi lo từ mô hình Nhật
Cuối năm ngoái, chính bài toán kinh phí đã khiến những người làm bóng đá Long An quyết định khai tử tên ĐT.LA để đổi tên thành Long An. Họ làm bóng đá theo mô hình từ Nhật khi cho ra đời Công ty CP phát triển bóng đá Long An, với vốn điều lệ của 10 thành viên là 30 tỷ đồng.
Mục đích chính của việc cho ra đời tên CLB Long An và Công ty CP phát triển bóng đá Long An là muốn nhiều doanh nghiệp cùng chung sức làm bóng đá. Một sự chung tay để tạo nên sự lớn mạnh về tài chính cho đội chủ sân Tân An, sau những năm gần đây bị tụt lại so với các đội bóng mạnh ở V.League.
Nhưng sau một mùa bóng chật vật trụ hạng và nỗi lo kinh phí cho mùa bóng mới, có thể tạm khẳng định là đội chủ sân Tân An vẫn chưa thể sống tốt với mô hình bóng đá kiểu Nhật. Đây là một nỗi lo rất lớn nếu nhìn những bài học trước mắt dành cho Long An.
Đó là tình cảnh của Đồng Tháp và Cà Mau, 2 đội bóng hoạt động theo mô hình kiểu Nhật của Chủ tịch Hội đồng quả trị VPF - ông Võ Quốc Thắng. Một đội chính thức về hạng Nhất còn một đội xuống hạng Nhì. Tương lai cả 2 đội bóng này vẫn đang bị đặt dấu hỏi lớn.
Có một điểm chung giữa Đồng Tháp, Cà Mau và Long An bây giờ là bắt đầu phụ thuộc vào Tỉnh, dù cho ra đời Công ty CP phát triển bóng đá với sự góp vốn của nhiều doanh nghiệp. Đó là một sự bất cập lớn theo kiểu bóng đá Việt Nam.
Có thể tạm hiểu vấn đề liên quan ở đây là những người làm bóng đá theo mô hình kiểu Nhật cần sự chung sức của nhiều doanh nghiệp. Nhưng các doanh nghiệp tham gia… đa phần là do Tỉnh vận động, bởi họ không thích làm bóng đá. Một kiểu tham gia miễn cưỡng thay vì chung sức làm bóng đá một cách tâm huyết nhất.
Tất cả cho thấy Long An đang đối diện với nhiều khó khăn trong mùa bóng mới. Nhất là mô hình bóng đá kiểu Nhật chưa thể vận hành trơn tru để có nguồn kinh phí ổn định.
HLV Calisto chưa muốn tái xuất tại Việt Nam
Đó là chia sẻ của Chủ tịch Võ Thành Nhiệm khi có buổi trò chuyện với HLV Calisto. Ông Nhiệm cho biết có nói chuyện với HLV Calisto. Tuy nhiên, ông thầy người Bồ Đào Nha không muốn làm công tác huấn luyện lúc này. HLV Calisto đang làm bình luận viên, viết báo và dạy nghiệp vụ cho các HLV tại Bồ Đào Nha. Thế nên, công việc của HLV Calisto đang rất ổn định. Chuyến trở lại Việt Nam chỉ đơn thuần là thăm các người bạn cũ, xem bóng đá và đi du lịch.