“Mưa” pháo sáng ở Hàng Đẫy và hệ lụy từ vụ xóa án khó hiểu
Ở trận đấu giữa Hà Nội FC vs Hải Phòng thuộc vòng 6 V.League 2019, sân Hàng Đẫy chìm trong “biển lửa” với cơn “mưa” pháo sáng xuất phát từ khu vực CĐV đội khách. Sau đó, Ban Kỷ luật VFF đã có quyết định phạt ban tổ chức trận đấu của Hà Nội FC 70 triệu đồng và phải tổ chức trận đấu tiếp theo trên sân nhà không có khán giả do để xảy ra tình trạng khán giả đốt pháo sáng nhiều lần trong sân vận động, không đảm bảo an ninh, an toàn trận đấu.
Ngày 24/4, án phạt ban ra nhưng chỉ 2 ngày sau, án phạt này bị gỡ bỏ. Trong đơn khiếu nại, Hà Nội FC nêu quan điểm: “Trận đấu giữa Hà Nội FC và TP.HCM vào ngày 27/4 là trận đấu hứa hẹn rất hấp dẫn, nhiều kịch tính, bởi đây là hai đội bóng đang có thành tích rất tốt, dẫn đầu V.League 2019.
Hà Nội FC sở hữu nhiều tuyển thủ quốc gia còn CLB TP.HCM đang đạt phong độ cao. Chính vì vậy, cổ động viên Hà Nội FC và cả nước đều mong chờ được trực tiếp theo dõi trận đấu, cầu thủ hai đội đang chuẩn bị tích cực để cống hiến những gì tinh túy nhất”.
Thế là, dựa vào yêu cầu cấp thiết đó, Ban giải quyết khiếu nại quyết định gỡ bỏ án phạt với lý do “so sánh mức áp dụng hình phạt giữa hai CLB thì BTC trận đấu CLB Hà Nội bị áp dụng hình phạt nặng hơn là không hợp lý vì hoạt động ném pháo sáng hoàn toàn do lỗi từ CĐV Hải Phòng. Để xảy ra vi phạm có trách nhiệm của nhiều đơn vị và cá nhân”.
“Hoạt động ném pháo sáng hoàn toàn do lỗi từ CĐV Hải Phòng”? Điều đó có nghĩa, trách nhiệm của BTC sân không bị liên đới hay bị khung hình phạt quá nhẹ? Vậy, trách nhiệm của BTC sân ở đâu khi để xảy ra tình trạng đốt pháo sáng, gây nguy hiểm đến tính mạng con người?
Các điều luật trong Quy chế của Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã quy định rất rõ. Theo điểm 2, điều 34, Trách nhiệm của câu lạc bộ khi tham gia giải đấu: Câu lạc bộ chủ nhà chịu trách nhiệm hoàn toàn về công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho tất cả các thành phần tham dự trận đấu, phải đảm bảo trận đấu diễn ra đúng với thời gian, đúng với quy định của Luật bóng đá, quy định của đơn vị tổ chức giải và VFF.
Mục 2 Tổ chức điều hành trận đấu quy định rất rõ:
- Điều 43, điểm 1 nêu BTC trận đấu do CLB chủ nhà phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương thành lập chịu trách nhiệm hoàn toàn về công tác tổ chức và đảm bảo an ninh, an toàn tại các trận đấu; quản lý sân thi đấu của CLB trong các trận đấu của giải.
- Điều 43, điểm 4 nêu Chủ trì việc phối hợp với các lực lượng công an, kiểm soát quân sự, y tế để đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho khán giả, HLV, cầu thủ, trọng tài, giám sát và các thành viên của BTC giải trước, trong và sau trận đấu.
- Điều 50, điểm 1 nêu rõ: BTC trận đấu kiểm tra, ra soát các khu vực trong SVĐ; dò tìm, loại bỏ bất cứ vật nguy hiểm nào trên sân trước trận đấu bắt đầu. Công tác kiểm tra an ninh, an toàn trên sân phải được hoàn tất trước khi bắt đầu ít nhất 2 tiếng.
- Cũng ở điều 50, điểm 2 có các quy định rõ trong thời điểm diễn ra trận đấu:
Lực lượng cảnh sát trật tự, cảnh sát cơ động kiểm soát khu vực bên ngoài hàng rào ngăn cách khán giả với đường chạy quay mặt lên khán đài làm nhiệm vụ, nhằm ngăn chặn khán giả ném đồ vật vào sân hoặc những người quá khích vượt hàng rào ngăn cách để vào sân thi đấu.
Cảnh sát đặc biệt mặc thường phục được bố trí ở các khu vực khán đài
Có đủ lực lượng cảnh sát giữ trật tự và nhân viên kiểm soát một cách hữu hiệu tại các cổng ra vào sân. Kiểm soát chặt chẽ khán giả khi vào sân vận động, không cho mang bất cứ vật gì có thể làm vũ khí (chai thủy tinh, chai nhựa, đồ uống có cồn, gạch đá, gậy, mũ bảo hiểm, pháo nổ, pháo sáng,…)
***
BTC sân Hàng Đẫy từng để ra hành vi đốt pháo sáng gây nguy hiểm từ phía các CĐV Hải Phòng. Tuy nhiên, thời điểm đó, họ bị cho là vô can. Sau văn bản đó, sân Hàng Đẫy tiếp tục để các CĐV đốt pháo sáng với hành vi nguy hiểm, gây sát thương cao và ảnh hưởng đến tính mạng của con người.