Nghịch lý bóng đá Việt Nam: Lên lớp rồi...nghỉ
Do không duy trì đội bóng nên chuẩn bị cho giải hạng Nhì 2015, Cà Mau phải dùng lực lượng theo kiểu có ai chơi nấy, không có thì “xin, mượn, thuê”, khi nhặt nhạnh mỗi nơi vài cầu thủ. Thậm chí, trong số 6 cầu thủ gốc Cà Mau tham dự giải hạng Nhì vừa rồi, có người đang thất nghiệp, đi đá chầu kiếm sống qua ngày được gọi về ký hợp đồng đôi ba tháng đá xong giải và… ai về nhà nấy.
Kinh phí hạn hẹp, chủ yếu được rót từ tiền ngân sách tỉnh (gần 2 tỷ đồng) nên thời gian tập trung được “cân, đo, đong, đếm” kỹ lưỡng với hơn 2 tháng cho vòng loại và VCK, trong khi cầu thủ lấy về chủ yếu mượn từ các đội trẻ của Đồng Tháp, An Giang… với mức lương bèo bọt, dao động từ 3-5 triệu đồng/tháng.
Thậm chí, 2 cầu thủ được xem là sao số nhất của Cà Mau ở giải hạng Nhì vừa rồi là Vương Quốc Huân (từng khoác áo ĐT.LA) và Cao Thạch Sa Mi (từng khoác áo Bình Định khi còn đá giải hạng Nhất) cũng chỉ nhận được mức lương 5 triệu đồng/tháng.
Có câu chuyện bi hài xung quanh việc Cà Mau tham dự giải hạng Nhì 2015 vừa rồi, đó là các cầu thủ chỉ nghe và tập theo sự hướng dẫn của các anh lớn như Quốc Huân, Sa Mi chứ nhất quyết không chịu tập theo giáo án của BHL đề ra vì cho rằng “mấy ông ấy có biết gì đâu về bóng đá mà tập với tành”.
Xác định góp mặt cho có phong trào nên khi bất ngờ giành vé dự VCK, thầy trò HLV Dương Hữu Cường đến Nha Trang đá VCK trong tâm trạng vừa mừng vừa lo. Mừng bởi họ được lãnh đạo Sở VH-TT&DL hứa sẽ thưởng lớn với số tiền lên đến… 150 triệu đồng nếu thăng hạng. Và lo vì chẳng biết có được nhận thưởng hay không nếu lỡ lên hạng, khi mà suốt vòng loại, ngoài lương và tiền ăn hàng ngày, họ chẳng nhận được thêm khoản nào dù liên tục giành chiến thắng.
“Đã lỡ “leo lên lưng cọp” và vì lòng tự trọng của thằng cầu thủ nên phải chơi đến cùng. Mặt khác, nghe đâu nếu thăng hạng thì sẽ có nhà tài trợ tên tuổi của tỉnh nhảy vào nên anh em cố gắng thi đấu. Hoặc nếu không thì vì NHM, phong trào địa phương, biết đâu tỉnh sẽ đầu tư thì sao…”, đội trưởng Quốc Huân cho biết động lực để anh và đồng đội cố gắng giành chiếc vé thăng hạng hồi tháng 7 vừa rồi ở Nha Trang.
Song theo như cựu tiền vệ CLB ĐT.LA này thì hy vọng thì hy vọng vậy thôi chứ chẳng dám trông mong gì. Bởi nếu thật sự máu me thăng hạng thì họ đã được quan tâm và đầu tư kiểu khác chứ không chỉ toàn nghe nói và hứa trong suốt quá trình giải đấu diễn ra.
Rốt cuộc thì những gì thầy trò HLV Dương Hữu Cường lo lắng cũng thành sự thật khi sau lúc thăng hạng, họ đợi dài cổ gần cả tháng nhưng chẳng thấy thông tin gì về chuyện thưởng, đặc biệt là số tiền 150 triệu đồng như đã hứa. Đổi lại, thầy trò ông Cường chỉ được tặng 50 triệu đồng từ UBND tỉnh cùng lời hứa từ lãnh đạo Sở VH-TT&DL: Cứ về nhà đợi, khi nào có thêm tiền thưởng và trở lại tập trung chuẩn bị cho giải hạng Nhất thì sẽ báo sau.
Bỗng dưng trở thành đội bóng chuyên nghiệp, trong khi nội tại thì trống không, với chỉ duy nhất cái SVĐ xây gần cả chục năm đang xuống cấp và cái tên cùng suất đá hạng Nhất. Bởi thế, không bất ngờ khi vừa mới thăng hạng, Cà Mau buộc phải “bỏ của chạy lấy người”.
Việc Cà Mau vừa “lên lớp” đã phải “bỏ học” là minh chứng sống động nhất cho cái gọi là bóng đá chuyện nghiệp kiểu Việt Nam, bi hài kịch và đau đớn…
Cách đây vài năm, Cà Mau có duy trì vài đội trẻ như U.13, U.15 nhưng hiện tại thì đã xóa xạch và bóng đá nơi đây hoàn toàn là “vùng trắng” đúng nghĩa, sau khi đội hạng Nhì vừa giành vé thăng hạng bị giải tán.
Tưởng đâu sẽ được đá giải hạng Nhất 2016 nên sau khi thăng hạng, Cà Mau quyết định tái ký hợp đồng với 5 cầu thủ vừa tham dự giải hạng Nhì 2015 và hiện tại những cầu thủ này đang “khóc dở, mếu dở” khi không biết tương lai sẽ ra sao.