Nhà báo Phan Đăng: “Chót môi, đầu mép”
Đó là 2 câu hỏi mà tôi đặt ra với những nhà tổ chức, điều hành V.League. Với câu hỏi thứ nhất, ông Trưởng giải Nguyễn Minh Ngọc trả lời chắc nịch là: “Không!”. Còn với câu hỏi thứ hai, ông Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng đưa ra một thông tin màu hồng: “Hiện tại, chúng tôi đang làm việc với 3 nhà tài trợ, dĩ nhiên chúng tôi vẫn ưu tiên Toyota ở vị trí số 1”. Rồi ông Thắng bảo: “Ngay trong tháng 10, khả năng chúng tôi sẽ chốt lại vấn đề này”. Những câu trả lời này cho thấy mối quan hệ giữa VPF với các nhà tài trợ nói riêng và mảng vận động, tài trợ cho V.League nói chung đang diễn ra trơn tru, tốt đẹp. Nếu nó quả đúng tốt đẹp như vậy thì quá tốt, nhưng nếu mọi sự không như vậy thì sao?
Trước thềm mùa giải 2015, bóng lăn đến nơi rồi mà V.League vẫn chưa có tài trợ, và sự vào cuộc của Toyota khi ấy giống hệt với việc “quả bom” đã được tháo kíp nổ vào phút chót. Nhưng Toyota cũng chẳng phải “tay mơ”, song song với việc đổ tiền vào V.League, họ cũng đề nghị những nhà tổ chức, điều hành V.League phải luôn bảo đảm được tính trong sạch, hấp dẫn của giải đấu. Với Eximbank, nhà tài trợ trước đó thì mọi việc không khởi động một cách sát sao như thế nhưng sau này, khi Eximbank họp cổ đông thì đã có ý kiến đặt ra: Tại sao lại phải đổ tiền tài trợ một giải đấu lắm vấn đề như V.League? Những câu hỏi này thì ông Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng nghe nhiều và hiểu nhiều hơn ai hết.
Nhìn lại lịch sử phát triển V.League, không khó thấy giải đấu đã được ghép tên với cả một lô các nhà tài trợ, từ Kinh Đô, Euro Window đến Petro VN Gas rồi Eximbank, Toyota.., nhưng vấn đề là mỗi nhà tài trợ chỉ “sống” trung bình trong khoảng 2 năm rồi nhanh chóng “cao chạy xa bay”. Phải làm gì để tìm được một nhà tài trợ lâu dài, chiến lược? Và phải làm gì để những nhà tài trợ có cảm giác đồng tiền mình bỏ ra thực sự đáng giá? Chắc chắn câu trả lời chỉ có thể là những nhà tổ chức phải minh bạch, dũng cảm nhìn thắng vào những vấn nạn đang tồn tại, điển hình nhất là vấn nạn “những trận đấu có mùi”, từ đó tìm cách khắc phục, giải quyết cho ổn thoả. Nhưng nói như ông Chủ tịch CLB Hải Phòng thì thái độ của BTC, VPF trong vấn đề này là rất chung chung, nhạt nhoà. Ông Hùng bảo: “Rốt cuộc những trận đấu dư luận nghi ngờ có tiêu cực thật không? Nếu có thì vì sao, ở mức độ nào? Nếu không thì cần giải thích thế nào cho thuyết phục? Lãnh đạo thành phố chúng tôi luôn hỏi chúng tôi như thế và chúng tôi cần một kết luận chính thức từ VPF, thế mà VPF chẳng kết luận gì…”.
Trở lại với chuyện vận động tài trợ cho mùa giải 2016, nếu quả đúng là mọi thứ đang diễn ra trơn tru như ông Chủ tịch VPF tiết lộ thì quá tốt. Nhưng ngay cả khi cái tốt ấy được đảm bảo thì vẫn cần nhìn nhận thẳng thắn: Người ta đổ tiền cho mình vì lý do gì? Vì thực sự cần quảng bá thương hiệu qua giải đấu của mình, hay vì những mối quan hệ, kêu gọi cá nhân? Và rồi người ta có thể gắn bó một cách lâu dài, bền vững, có giá trị với mình hay không?
Cứ nhìn sang hàng xóm, Toyota rót vào giải Thái Premier League số tiền gấp 5, gấp 7 V.League rồi liên hệ tới câu “nhà tài trợ rất hài lòng về V.League” của ông Trưởng BTC mới thấy cái gọi là “hài lòng” hoá ra cũng có dăm ba kiểu hài lòng.
Hẳn nhiên, trong đó có kiểu hài lòng “chót môi, đầu mép”!
PHAN ĐĂNG