Nhìn từ ông Trần Mạnh Hùng, văn hóa từ chức ở bóng đá Việt có mấy lần?
Lịch sử bóng đá Việt Nam ghi nhận, văn hóa từ chức đã xuất hiện, từ lãnh đạo quản lý đến những người làm chuyên môn.
1. Nhắc đến văn hóa từ chức ở bóng đá Việt, cái tên Dương Nghiệp Khôi được nhắc đến đầu tiên trong thời đại V.League. Hai lần xin từ chức ở cùng một cương vị như phản biện luận điểm nổi tiếng "không ai tắm hai lần trên một dòng sông".
Năm 2008, sau vụ bạo loạn ở sân Vinh, xe chở CĐV Hải Phòng đâm chết một CĐV SLNA, ông Khôi xin từ chức trước sức ép của báo giới và dư luận. Ông là Trưởng Ban tổ chức V.League năm ấy.
Cựu Trưởng BTC V.League Dương Nghiệp Khôi từng hai lần nộp đơn xin từ chức. Ảnh: Tuấn Tú.
Sau hai năm, qua đời Trưởng BTC Nguyễn Hữu Bàng và Trần Quốc Tuấn, ghế Trưởng giải lại thuộc về ông Khôi. Mọi sự tưởng chừng bình yên thì đến cuộc họp tổng kết giải, bầu Kiên gây chấn động với những phát biểu hết sức thẳng thắn, yêu cầu VFF cải tổ mạnh mẽ và một trong số việc phải làm là thay vị trí của ông Dương Nghiệp Khôi. Một lần nữa ông Khôi viết đơn từ chức.
Chuyện của ông Khôi ứng nghiệm về sau này ở một trong những vị trí áp lực nhất của bóng đá Việt: HLV trưởng đội tuyển quốc gia. Năm 2012, HLV Phan Thanh Hùng từ chức sau thất bại ở AFF Cup. Năm 2017, HLV Nguyễn Hữu Thắng tuyên bố từ chức ngay ở cuộc họp báo sau thất bại 0-3 trước U22 Thái Lan tại vòng bảng SEA Games 29.
Chuyện từ chức ở bóng đá Việt Nam vì thế là chuyện có thật, đã diễn ra và có những nhân vật chính cụ thể. Văn hóa từ chức là một thứ tiêu chuẩn kép được nhìn nhận bằng phông văn hóa khác ở những nền văn hóa khác nhau. Điều ấy có thể là bình thường ở Nhật Bản hay một số nước khác, còn tại Việt Nam, thứ văn hóa này rất hiếm nếu không muốn nói họ chỉ làm khi đã bị dồn xuống đáy của thất bại và áp lực.
HLV Phan Thanh Hùng tuyên bố từ chức sau thất bại tại AFF Cup 2012.
2. Văn hóa từ chức ở Việt Nam có thể nhận thấy những trường hợp điển hình. HLV Hữu Thắng từ chức vì bị dồn xuống đáy của thất bại. Ông Dương Nghiệp Khôi năm 2011 bị dồn xuống đáy của áp lực, không phải từ dư luận mà từ quyền lực của các ông bầu mà phải từ chức.
Chuyện từ chức ở bóng đá Việt Nam còn có một hình thái khác: "Từ chức nhưng không được cho từ chức".
Năm 2011, Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn khi ấy là Tổng thư ký xin từ chức sau thất bại của U23 Việt Nam tại SEA Games mà ông làm Trưởng đoàn. Kết quả, tại Hội nghị BCH VFF khóa VI lần thứ 7, 100% thành viên không chấp thuận quyết định của ông Tuấn.
Ông Trần Quốc Tuấn làm Trưởng đoàn U23 Việt Nam tại SEA Games 2011 trò chuyện cùng HLV trưởng Falko Goetz. Ảnh: Tuấn Tú.
"Không một quốc gia nào trên thế giới xử lý cách chức một Trưởng đoàn sau thất bại của một đội bóng. Người Trưởng đoàn chỉ chịu trách nhiệm quản lý hành chính. Thất bại của U23 Việt Nam thuộc về chuyên môn", Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ thời điểm ấy nói.
Thế nhưng, sự tự trọng đưa ông Tuấn rời VFF trở về Tổng cụ TDTT. Hiện tại, ông Tuấn lại đang điểm nhiệm vị trí Phó chủ tịch thường trực VFF.
Năm 2017, vẫn là SEA Games, bầu Đức – Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính và vận động tài trợ xin từ chức sau thất bại muối mặt của U22 Việt Nam (như lời ông Đức hứa trước khi giải đấu diễn ra). Và vẫn tại một Hội nghị BCH VFF, chỉ khác là khóa VII, lần thứ 11, đơn xin nghỉ của ông Đức không được chấp thuận. Ông vẫn ở VFF hết nhiệm kỳ VII.
Đó là hai dẫn chứng từ chức xuất phát phần nào từ sự tự trọng. Còn mới đây nhất, bầu Tú xin thôi chức Tổng giám đốc VPF vì kiêm nhiệm quá nhiều chức vụ. Cũng như hai BCH VFF ở trên, HĐQT VPF phủ quyết quyết định của bầu Tú.
Bầu Đức tuyên bố từ chức sau thất bại của U22 Việt Nam ở SEA Games 29 nhưng bằng sự tín nhiệm ông vẫn tiếp tục ở lại. Ảnh: Tuấn Tú.
3. Ông Trần Mạnh Hùng từ chức cũng có thể gộp trường hợp của ông vào nhóm "từ chức vì tự trọng". Dĩ nhiên, nguyên nhân của quyết định là sự bộc phát không đúng chỗ của một cái đầu vốn đã được kiểm chứng là nóng, dễ nổi giận.
Dư luận cho rằng đó là điều chắc chắn phải diễn ra, còn Chủ tịch Trần Anh Tú nghĩ khác hơn một chút khi gọi đấy là hành động dũng cảm. Ông Tú có phần đúng vì như đã nói ở trên, văn hóa từ chức ở Việt Nam rất hiếm. Điều này không che lấp đi việc ông Hùng làm sai nhưng chắc chắn là quyết định đúng nhất của ông Trần Mạnh Hùng kể từ thời điểm vụ cãi vã với Phó Ban trọng tài Dương Văn Hiền vỡ lở.
Ông Hùng làm xấu hình ảnh VPF nhưng với quyết định từ chức, ông đã làm được hành động đúng nhất kể từ khi sự việc vỡ lở. Ảnh: Hải Đăng.
Nhìn lại những lần từ chức ở bóng đá Việt Nam để nhận thấy lĩnh vực này chịu áp lực lớn đến nhường nào. Thế nhưng, cơ chế dựa vào sự tín nhiệm của tổ chức cũng đẩy các cá nhân không thể đi đến cùng với quyết định của mình.
Văn hóa từ chức cũng phải được nhìn nhận là để bóng đá tốt lên, xuất phát từ việc không làm trọn nhiệm vụ hay làm xấu hình ảnh của tổ chức. Văn hóa từ chức không nên và không bao giờ là hệ quả từ những chiêu trò hay mục đích "đấu đá" lẫn nhau.