Nhìn lại vòng 4 V.League 2017: Tấn công nhiều chưa đi đôi với hiệu quả
Bóng đá hiện đại đề cao tính hiệu quả. Vòng 4 V.League 2017 cũng vậy khi nhiều đội bóng cầm bóng và tấn công nhiều hơn lại phải nhận thất bại.
Trận đấu gây bất ngờ nhất là thất bại 1-3 trên sân nhà của T.Quảng Ninh trước Quảng Nam FC dù đội bóng xứ Quảng không phải là "dạng vừa đâu".
Những con số thống kê cho thấy, đội chủ sân Cẩm Phả vẫn chiếm quyền kiểm soát bóng, lối chơi HLV Phan Thanh Hùng muốn xây dựng ở T.Quảng Ninh. Với thời gian kiểm soát bóng lên tới 31'35", T.Quảng Ninh đứng thứ 2 chỉ sau HA.GL (32'11"). Đội bóng đất Mỏ cũng đứng thứ 2 về phần trăm kiểm soát bóng với 61% (S.Khánh Hòa đứng đầu với 66%).
Video: Diễn biến của trận đấu giữa T. Quảng Ninh và Quảng Nam
Cùng với việc chiếm quyền kiểm soát bóng, T.Quảng Ninh cũng tổ chức rất nhiều đợt tấn công. Theo thống kê của Instat, ở vòng 4 này T.Quảng Ninh tổ chức tổng cộng 121 pha tấn công, gấp rưỡi đối thủ Quảng Nam FC (79 tình huống). Đã có 16 cú sút được các tiền đạo đội chủ nhà thực hiện, xếp thứ 3 về số lần dứt điểm tại vòng 4 này.
Tuy nhiên, tấn công nhiều không đồng nghĩa với hiệu quả cao. T.Quảng Ninh chỉ có duy nhất 1 bàn thắng. Họ cũng mất bóng nhiều thứ 2 với 97 lần để đối thủ tranh cướp thành công, chỉ kém đúng 1 tình huống so với đội đứng đầu là Hải Phòng.
Sẽ không có gì đáng nói nếu T.Quảng Ninh chủ động nhường thế trận cho đối thủ. Tuy nhiên, số lần mất bóng của ĐKVĐ Cúp QG gần tuơng đương với số lần tổ chức tấn công (tỷ lệ 0,8).
Một đội bóng khác cũng chịu chung số phận với T.Quảng Ninh là Long An FC. Đội bóng của HLV Ngô Quang Sang kiểm soát bóng tới 31'26", chỉ kém 9 giây so với Quảng Ninh và so với chính đối thủ SLNA chỉ có 25'22" kiểm soát bóng.
Đội chủ sân Tân An cũng gấp rưỡi đối thủ về số lần triển khai tấn công với 103 đường bóng. Tuy nhiên, từng đó là không đủ để họ giữ 3 điểm ở lại sân nhà.
Ngoài ra, trận đấu giữa CLB TP HCM và Hà Nội FC cũng rất đáng nói. ĐKVĐ V.League 2016 không còn làm chủ thế trận khi chỉ có 48% thời gian kiểm soát bóng trước đối phương. Họ cũng có ít lần tổ chức tấn công hơn đối thủ.
Ở chiều ngược lại, CLB TP HCM lại mất bóng nhiều hơn Hà Nội FC và đặc biệt là số lần bị cướp bóng trên sân nhà của tân binh V.League nhiều gần gấp đôi so với đối thủ với 15 pha bóng.
Video: Diễn biến của trận đấu giữa TP. HCM và Hà Nội FC
Quảng Ninh, Hải Phòng, Long An, TP HCM lần lượt chiếm 4 vị trí đầu tiên về số lần kiểm soát bóng. Trong đó, đặc biệt là Quảng Ninh dẫ đầu với 95 tình huống và đội bóng đất Mỏ cũng đưa được bóng sang phần sân đối phương nhiều nhất với 95 lần (hiệu suất đạt 77%). Tuy nhiên, họ đều là những đội bóng bại trận ở vòng 4 này.
Thầy trò HLV Phan Thanh Hùng cũng dẫn đầu về số lần đưa bóng vào vòng cấm địa đối phương với 65 tình huống, với gần một nửa trong số đó thành công. Ở chỉ số này, Quảng Nam chỉ bằng 1/4 về số lần thực hiện và gần 1/6 về số lần thành công.
Tương tự, Hải Phòng thực hiện nhiều gấp đôi SHB Đà Nẵng và đạt hiệu quả gần gấp 3 đối phương ở chỉ số thực hiện các đường chuyền vào vòng cấm. Còn Long An cũng có nhiều đường chuyền gấp đôi SLNA.
Thế nhưng, việc chiếm quyền chủ động trong việc kiểm soát bóng hay vượt trội về số lượng pha bóng tấn công cũng như đường chuyền vào vòng cấm không đồng nghĩa với việc giành chiến thắng. Điều đó cũng tương đối dễ hiểu khi xu thế bóng đá hiện tại đề tao tính thực dụng.
Video: Diễn biến của trận đấu giữa SHB. Đà Nẵng và Hải Phòng