Quảng Nam xây lại “chân đế”, hướng đến phát triển bền vững
Xác định muốn phát triển bóng đá một cách chuyên nghiệp, phải tạo nguồn cho đào tạo trẻ cùng cơ sở vật chất, Quảng Nam đang đi theo hướng thích hợp đó.
Khi tiến lên chuyên nghiệp ở mùa giải 2009 bằng việc lần đầu tiên góp mặt ở sân chơi hạng Nhất, bóng đá Quảng Nam thiếu thốn trăm bề. Họ chỉ có duy nhất một sân vận động Tam Kỳ, bao gồm cả nơi thi đấu, tập luyện cũng như ăn ở cho các tuyến. Quảng Nam cũng không có hệ thống đào tạo trẻ theo quy chuẩn một đội bóng chuyên nghiệp.
8 năm lên chuyên nghiệp, Quảng Nam vẫn chỉ là đội bóng chuyên nghiệp nửa vời. Họ dần xây dựng đầy đủ các lứa trẻ theo tiêu chuẩn của một đội bóng chuyên nghiệp. Tuy nhiên họ vẫn chưa có một sân phụ để tập luyện khi sân Tam Kỳ vẫn là sân tập của tất cả các tuyến.
Thậm chí, có câu chuyện cười chảy ra nước mắt được tuyển thủ U20 Việt Nam, Huỳnh Tấn Sinh, chia sẻ là vì quá thích tập sân cỏ nên khi các anh lớn ở đội 1 tập xong thì trung vệ này liền tận dụng để vào tập. Mà tập cũng chỉ thỉnh thoảng khi bảo vệ không cho bởi sợ chất lượng mặt sân bị ảnh hưởng. Đối với các cầu thủ trẻ của Quảng Nam, việc được tập ở sân cỏ Tam Kỳ là một sự hứng khởi, họ mừng như bắt được vàng.
Câu chuyện đó sẽ sớm kết thúc khi mới đây, Quảng Nam sẽ được sự đầu tư lớn của UBND tỉnh nói chung và UBND Thành phố Tam Kỳ nói riêng. Theo đó, chưa đầy nửa tháng tới, Trung tâm TDTT Thành phố Tam Kỳ sẽ bắt đầu được xây dựng và giải quyết bài toán sân bãi cũng như nơi ăn ở về sau cho các lứa trẻ của Quảng Nam.
“Trung tâm TDTT Thành phố Tam Kỳ có nhiều chức năng cho nhiều bộ môn khác nhau. Riêng sân cỏ nhân tạo 11 người có kinh phí 4 tỷ đồng được sự đầu tư từ ngân sách của UBND tỉnh Quảng Nam và UBND Thành phố Tam Kỳ để hai bên cùng sử dụng. Trước mắt là xây dựng sân cỏ nhân tạo còn tiếp theo đó, chúng tôi dự kiến xây dựng khu nhà ở, sinh hoạt cho các cầu thủ ở tại đó.
Dự kiến ngoài sân của Trung tâm TDTT TP Tam Kỳ được UBND tỉnh hỗ trợ 50% thì chúng tôi sẽ làm thêm một sân nữa và khu đó trở thành nhà ở vận động viên nhằm đào tạo bóng đá trẻ.
Chúng tôi vạch kế hoạch rõ ràng, được UBND tỉnh đồng ý và đầu tư theo từng năm, từng hạng mục công trình chứ đầu tư cùng một lúc thì hơi khó. Khu này sẽ được dành cho các tuyến trẻ là U15, U17, U19, U21 thậm chí những lúc trời mưa, đội 1 sẽ xuống đây để tập luyện”, GĐĐH Nguyễn Húp cho biết.
Bên cạnh đó, dự kiến trong vòng một tháng tới, Quảng Nam sẽ tuyển sinh thêm một tuyến là U11. Kế hoạch này đã được UBND tỉnh chấp thuận và khi đi vào hoạt động, đội chủ sân Tam Kỳ sẽ ngày càng chuyên nghiệp hơn với những tiêu chí cơ bản của một đội bóng chuyên nghiệp là có sân phụ và đầy đủ các tuyến trẻ.
Việc ra đời sân vận động 11 người cỏ nhân tạo sẽ giải quyết bài toán tập luyện và thi đấu cho các tuyến của Quảng Nam, đồng thời cũng giảm tải cho sân Tam Kỳ. Ngoài ra, việc có sân tập phụ cũng giúp Quảng Nam có thể mạnh dạn tổ chức các giải đấu.
“Sân chính hiện nay chỉ để tổ chức thi đấu và ưu tiên cho đội 1 tập luyện. Thời gian còn lại, khi sân này xây dựng xong thì chủ yếu dành cho các tuyến trẻ. Thời tiết thất thường thì đội 1 sẽ tập ở đó để bảo dưỡng sân Tam Kỳ nhằm phục vụ công tác thi đấu. Nó là một bước đệm để Quảng Nam tiến lên chuyên nghiệp một cách bền vững”, ông Húp bày tỏ.