Sau ánh hào quang là những góc khuất ở HAGL: Kỳ 1: Những “cánh tay đắc lực” liên tiếp… “bye bye bầu Đức”
Năm 2005, trong một trận đấu mà HAGL làm khách ở cúp châu Á, bầu Đức đi cùng đội. Chứng kiến trận thua tủi hổ của đội bóng, ông thẳng thừng tát một cầu thủ trong phòng thay đồ, định đuổi cả cầu thủ đó vì nghi ngờ đến vấn đề tư tưởng.
Ông bầu của đội bóng phố Núi giận ra mặt. Thế nhưng, khi cầu thủ đó quỳ xuống xin lỗi, ông chấp nhận và bỏ qua luôn. Nhận lỗi, xin lỗi và mối quan hệ bình thường hóa trở lại, bầu Đức là vậy, luôn rạch ròi mọi chuyện. Chính lối sống trọng tình trọng nghĩa đó mà bầu Đức luôn thu phục rất nhiều cựu cầu thủ theo chân ông với số năm không dưới 2 con số.
Thế nhưng, đó đã là câu chuyện của quá khứ. HAGL ở thời điểm hiện tại lung linh với những thương vụ chuyển nhượng đình đám của Công Phượng, Xuân Trường. Họ sở hữu nhiều cổ động viên bậc nhất Việt Nam nhờ vào lối chơi tận hiến, đẹp mắt.
Ấy vậy, đằng sau sự lung linh, đằng sau phong cách như một vị anh hùng Lương Sơn Bạc đó, phố Núi không hề yên ấm. Nó xuất phát từ cuộc sống kim tiền, từ tham vọng và từ môi trường để phát triển.
Cuối năm 2017, Đinh Hồng Vinh, một người có hơn 10 năm gắn bó trong vai trò “gõ đầu trẻ” ở HAGL. Là người sống chân thật, Vinh “đen” vốn chiếm cảm tình của bầu Đức. Vị “phó tướng” cho HLV Hoàng Anh Tuấn tham dự U20 World Cup 2017 cũng yên ổn cuộc sống gia đình ở Pleiku. Song, để phát triển sự nghiệp, ông Vinh chọn con đường rời phố Núi.
Ông nhận lời mời từ XSKT Cần Thơ. Lúc đó, Vinh “đen” chỉ khát khao làm nghề, khát khao thử sức ở cương vị mới là HLV trưởng tại một đội bóng ở V.League. Ông biến đội bóng Tây đô từ tập thể “không có gì” thành kẻ ngổ ngáo. XSKT Cần Thơ bất bại từ vòng 3 đến vòng 10.
Họ mới là đội bóng đáng chờ đợi ở V.League 2018. Song, càng đá, ông Vinh mới vỡ lẽ, đội bóng không có tiền. Những ước vọng sụp đổ và Vinh “đen” tìm cơ hội mới.
HAGL đã quá chật chỗ để những người như ông Vinh thử sức trong môi trường mới. Nếu sự ra đi của ông chỉ đơn thuần là vì khát vọng chinh phục thì một loạt sự chia tay sau khi mùa giải 2018 kết thúc mang đến những dư vị mặn chát.
GĐKT Chung Hae-seung đến Việt Nam gần như cùng lúc với HLV Park Hang Seo. Đôi bạn thân này có sự tương đồng về triết lý bóng đá. Đó là sự thực dụng. Với ông Chung, ông cần 10 trận thắng 1-0 hơn là thắng 1 trận 10-0.
HAGL dưới bàn tay của chiến lược gia này đi đúng hướng nhưng rồi, những trận đấu của đội bóng phố Núi không còn hoa mỹ. Họ thu lại những kết quả khả quan song ở đó ít xuất hiện những “bữa tiệc” bàn thắng.
Gần như suốt hơn giai đoạn nửa cuối của mùa giải, ông Chung chỉ xuất hiện trong khu cabin luấn luyện mà ít có tiếng nói. Sự ra đi của vị GĐKT này được giải thích vì không hợp triết lý.
Ít lâu sau, đến lượt GĐĐH Huỳnh Mau xin nghỉ vì lý do cá nhân. Một lý do phù hợp cho sự chia tay. Và những người am hiểu nội tình ở đội bóng phố Núi cho rằng, câu chuyện không dừng lại ở khía cạnh cá nhân.
Mới nhất, cựu HLV trưởng HAGL Nguyễn Quốc Tuấn cũng rời phố Núi để về làm “sếp” ở SHB Đà Nẵng với vai trò Phó giám đốc Trung tâm đào tạo trẻ của đội bóng. Ông Tuấn với mối quan hệ thân thiết với HLV Huỳnh Đức tìm đến môi trường mới, ở đó, ông được thỏa nguyện đam mê của mình.
Thực tế, câu chuyện ông Tuấn rời Pleiku đã xuất hiện một thời gian dài trước đó nhưng nó chỉ lộ ra ở thời điểm trước trận bán kết giải U21 Quốc gia 2018, khi ông dẫn dắt U21 HAGL đá bán kết với U21 B.Bình Dương. Các cầu thủ bị dao động tâm lý, HAGL bị loại và ông Tuấn chưa thể rời Pleiku. Chỉ sau thời gian, mọi chuyện lắng xuống, vị HLV đang dẫn dắt U22 Việt Nam mới trở về đúng chiếc ghế của mình.
Lần lượt những “công thần” của bầu Đức ra đi. Số ở lại theo diện gạo cội chỉ còn Nguyễn Văn Đàn, Trịnh Duy Quang, Dương Minh Ninh, Huỳnh Văn Ảnh, Chu Ngọc Cảnh và Guillaume Graechen.
Trong số đó, HLV Văn Đàn được xem là “bảo mẫu” của lứa Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh,… Cựu cầu thủ đội bóng phố Núi mới là người mà các cầu thủ xem trọng nhất. Hễ cứ đi đâu, mỗi lần về Hàm Rồng, câu nói đầu tiên mà họ nói là “Thầy Đàn đâu rồi”.
Những năm 2015, 2016, khi họ bắt đầu nổi lên, nhận được sự chú ý của người hâm mộ, không gian quán ăn của HLV Văn Đàn là nơi trú ngụ… an toàn. Mỗi khi trận đấu kết thúc, Công Phượng cùng đồng đội kéo về quán thầy Đàn. Ở đó, họ thoải mái ăn uống, vui chơi, chỉ thực sự là mình mà không câu nệ mọi chuyện xung quanh.
Ông Đàn nhận được lời mời hậu hĩnh từ một đội bóng miền Nam nhưng vì thương “đám nhỏ”, ông vẫn ở lại Pleiku…
Kỳ 2: Bầu Đức “đốt” cả hàng trăm tỷ vào lứa Công Phượng nhưng “keo kiệt” với các thầy của Công Phượng