Số phận đồng hương Donald Trump ra sao khi đến “miền đất hứa” V.League?
1. Lee Nguyễn (HAGL, B.Bình Dương)
Đây là cầu thủ người Mỹ gốc Việt khi Lee Nguyễn có tên thật là Lee Nguyễn Thế Anh. Anh có bố người Việt. Cầu thủ sinh năm 1986 này từng khoác áo cả ĐTQG Mỹ. Trước khi đến Việt Nam, anh là ngôi sao đáng chờ đợi, thậm chí hơn cả Kiatisuk thời bấy giờ.
Bản lý lịch của Lee rất hoành tráng khi thi đấu cho PSV của Hà Lan trong 3 mùa giải. Đầu năm 2009, anh về đầu quân cho HAGL và được xem là “bom tấn”, không kém cạnh gì thương vụ Denilson đến Hải Phòng.
Tuy nhiên, đời không như mơ với Lee. Anh lập hat-trick ngay trận ra mắt HAGl trong chiến thắng 3-2 trước Sài Gòn United ở Cúp QG. Nhưng rồi sau đó, anh thi đấu không đến nỗi nào ở đội bóng phố Núi với 12 bàn sau 24 trận. Câu chuyện hậu trường khiến Lee không thể trụ lại ở Pleiku và chuyển sang B.Bình Dương hai mùa giải sau đó. Lee không quá nổi vật và trở lại Mỹ, nơi đây, anh chói sáng trong màu áo New England Revolution trong khoảng thời gian từ 2012-2017.
2. Ash Apollon (Long An)
Ash Apollon từng sang Việt Nam để khoác áo Long An ở thời điểm V.League 2017. Tiền đạo sinh năm 1991 này được lựa chọn sau khi chân sút Odah Marshall bị phát hiện tiền sử bệnh tim.
Tuy nhiên, dấu ấn của chân sút người Mỹ không quá nổi bật khi anh chỉ ghi 3 bàn sau 13 trận ra sân. Ash Apollon bị Long An thanh lý sau giai đoạn 1 và đội bóng này cũng xuống hạng sau đó. Cũng trong năm 2017 này, sự cố sân Thống Nhất ở vòng 6 khi các cầu thủ cùng lãnh đạo hành xử quá thiếu chuyên nghiệp trong trận thua TP HCM ở những phút cuối trận khiến Long An không thể gượng dậy quãng thời gian dài sau đó.
Ở trận đấu này, Apollon là người góp mặt và thi đấu trọn vẹn 90 phút. Hiện tại, anh đang khoác áo CLB Mulhouse ở giải hạng 5 nước Pháp.
3. Mobi Fehr (HAGL)
Trung vệ sinh năm 1994 sang Việt Nam thi đấu vào năm 2017 và khoác áo HAGL. Đồng đội của Công Phượng chỉ trụ lại đúng 1 mùa ở đất nước hình chữ S. Dẫu vậy, Mobi Fehr để lại những dấu ấn tại phố Núi trong một năm đó.
Anh ra sân 24 trận với số phút thi đấu là 2.160, ghi được 2 bàn thắng. Sự có mặt của trung vệ này giúp hàng thủ của HAGL có một mùa giải thành công so với chính họ khi chỉ để thủng lưới 43 bàn. Đây là số bàn thua ít nhất trong 4 mùa giải mà lứa cầu thủ của Học viện HAGL JMG được bầu Đức đôn lên đội 1 để đá V.League.
4. Victor Mansaray (B.Bình Dương)
Ngay trận đấu đầu tiên ra mắt B.Bình Dương và V.League, tiền đạo Victor Mansaray để lại dấu ấn đậm nét với cú sút tung lưới Thanh Hóa. Bàn thắng này giúp đội bóng đất Thủ giành lấy 1 điểm trong trận khai màn V.League 2019.
Dù vậy, bản lý lịch trước đó của tiền đạo 22 này không quá nổi bật. Anh từng khoác áo Seattle Sounders ở giải bóng đá nhà nghề Mỹ (MLS) song không thi đấu bất cứ phút nào. Trước khi đến Việt Nam, Mansaray thi đấu ở giải hạng Ba Thụy Điển cho CLB Umea và giải hạng Nhất Mỹ cho Charleston Battery.
5. Sidney Rivera (Than Quảng Ninh)
Cũng giống như đồng hương Victor Mansary, chân sút Sidney Rivera vừa có màn ra mắt Than Quảng Ninh ở trận đấu trên sân Hàng Đẫy vừa rồi. Tuy vậy, chân sút sinh năm 1993 cùng đội bóng đất Mỏ thảm bại 0-5 trước Hà Nội.
Trước khi đến Việt Nam, Sidney Rivera từng khoác áo Orlando City năm 2015 tại MLS song không được ra sân phút nào. Sau đó, anh chơi bóng ở hạng thấp tại Mỹ, thậm chí, Rivera đá ở giải hạng 6 của xứ cờ hoa.