Tranh cãi xung quanh pha ăn mừng của Ngô Hoàng Thịnh
Trước trận đấu với SLNA, Hoàng Thịnh cho biết, sẽ không ăn mừng nếu ghi bàn. Thực tế, nhiều cầu thủ xứ Nghệ khi ra đi cũng đã chọn cách này. Thậm chí, không ít người đã thẳng thắn xin không ra sân, vì sợ ảnh hưởng đến tình yêu SLNA. Dễ hiểu, cầu thủ xứ Nghệ đa số trưởng thành từ “lò” Sông Lam và chịu ơn đội bóng rất nhiều. Bên cạnh ơn nghĩa, đó còn là tình cảm với mảnh đất mình đã sinh ra.
Mùa giải năm ngoái, Hồng Việt đã gây xúc động mạnh khi cúi đầu xin lỗi các CĐV nhà sau khi ghi bàn quyết định, giúp Đồng Nai thắng SLNA ngay tại sân Vinh. Hay như Công Vinh và nhiều cầu thủ xứ Nghệ khác trước đây cũng vậy, họ thường kìm nén cảm xúc khi đối đầu với đội bóng cũ.
Nhưng Hoàng Thịnh lại khác. Sau pha sút phạt thành bàn, tiền vệ này đã dang tay ăn mừng, hệt như cách anh thể hiện khi ghi bàn cho SLNA trước đây. Người ta không hề thấy 1 sự khác biệt nào về tình cảm của Hoàng Thịnh. Người ta cũng cảm nhận việc, Hoàng Thịnh không còn quan tâm đến đối thủ là ai nữa. Anh vui và cực kỳ thoải mái thể hiện cảm xúc của mình.
Khoảnh khắc ấy của Hoàng Thịnh đã được chụp lại và sau đó lan truyền rất nhanh trên các trang mạng xã hội. Nhiều người cho rằng, Hoàng Thịnh đã phản bội với tuyên bố trước đó và có những chỉ trích gay gắt. Một số người khác thì cho rằng, bóng đá chuyên nghiệp phải hết mình thế nhưng để cho trọn vẹn, Hoàng Thịnh lẽ ra nên kìm nén cảm xúc.
Chưa hết, ở tình huống mà Omar ngã ngoài vòng cấm và trọng tài chỉ tay vào chấm phạt đền. Khi ấy, các cầu thủ SLNA quây trọng tài phản ứng dữ dội, thì phía bên kia, Hoàng Thịnh cũng có mặt trong nhóm cầu thủ FLC Thanh Hoá tiến về phía trọng tài để đôi co, đòi phạt đền.
Bóng đá chuyên nghiệp là phải hết mình và muốn thành công, phải chiến thắng con tim. Thế nhưng, bóng đá sẽ đẹp và nhân văn hơn với những cử chỉ cao thượng. Hoàng Thịnh đã mất rất nhiều thứ, sau màn ăn mừng quá nhiệt ấy.