Trưởng ban TT VFF: Trọng tài sai thì nhận sai, không hề giấu giếm
Webthethao: Sau ba vòng đấu, V.League 2019 lại tạm nghỉ cho U23 Việt Nam tham dự vòng loại U23 châu Á 2020, ông nghĩ như thế nào về công tác trọng tài ở đầu mùa giải 2019?
- Ông Dương Văn Hiền: Ba vòng đấu có 21 trận, nhìn chung các anh em điều khiển tốt. Chỉ có hai trận đấu, HAGL vs Sài Gòn, Viettel vs Hà Nội, hai trọng tài điều khiển chưa tốt, có những sai sót. Còn sai ở mức độ nào thì Ban Trọng tài sẽ có phương án xử lý chứ không thể tiết lộ cụ thể được.
Ở trận đấu giữa Viettel và Hà Nội ở vòng 3, cầu thủ Quế Ngọc Hải vào bóng nguy hiểm với Trần Văn Kiên và sau đó, trọng tài Trần Đình Thịnh rút thẻ vàng. Ông có bình luận gì về tình huống này?
- Mỗi trọng tài đều có góc nhìn. Có thể góc nhìn diễn ra quá nhanh, giữa thẻ vàng và thẻ đỏ có thể bị lẫn lộn, nhận định chưa chính xác. Chúng tôi đưa những trường hợp để anh em có góc di chuyển, nhận định và đưa ra quyết định chính xác hơn.
Tất nhiên, khi đưa ra quyết định chính xác thì có tính răn đe cầu thủ tốt hơn. Những trường hợp đó phải rút kinh nghiệm. Hơn nữa, trọng tài phải biết tính cách của mỗi cầu thủ để ngăn chặn với những tình huống trong trận đấu. Với tính cách của Quế Ngọc Hải, trọng tài sẽ nói trước để tránh những tình huống vào bóng như vậy. Tại sao Quế Ngọc Hải lên ĐT Việt Nam lại đá đàng hoàng, tôi nghĩ đó là vì cậu ấy sợ HLV Park Hang Seo.
Sau tình huống này, chưa đợi đến xem xét từ Ban kỷ luật, CLB Viettel đã kỷ luật nội bộ Quế Ngọc Hải. Ông có nghĩ, động thái này sẽ cùng với trọng tài phần nào răn đe các cầu thủ về hành vi bạo lực trên sân cỏ?
- Tôi nghĩ đây là việc làm tốt. Đó là cách giáo dục cầu thủ rất hay vì từ xưa giờ BHL ít có động thái như vậy. Trước đây, bầu Đức từng kỷ luật nội bộ Tăng Tiến vì vào bóng trên mức cần thiết còn đây là lần đầu tiên tôi thấy BHL đưa ra hình thức kể trên. Làm như vậy các đội bóng và cầu thủ sẽ nhìn vào đó để có tính răn đe, ngăn ngừa các hành vi vào bóng quá mức cần thiết.
Ở góc độ khác, tôi thấy các đội bóng đã ít phản ứng hơn về công tác trọng tài?
- Đúng là như thế! Cầu thủ và trọng tài làm việc chuyên nghiệp hơn trước nhiều. Cầu thủ, trọng tài ý thức nghề nghiệp của mình hơn. Họ tập trung vào chuyên môn còn sai sót thì khó tránh khỏi. Trên thế giới, các trọng tài cũng khó tránh khỏi sai lầm.
Tuy nhiên, không phải nói cái sai của các trọng tài trên thế giới hay ở Asian Cup 2019 vừa rồi để bào chữa cho cái sai của trọng tài Việt Nam. Chúng tôi cố gắng hạn chế thấp nhất, tránh những sai sót ảnh hưởng tới bàn thắng, bàn thua, phạt đền hay không phạt đền.
Ở Asian Cup 2019 vừa rồi, trọng tài thổi sai hai tình huống dẫn đến bàn thắng giữa Việt Nam và Nhật Bản. Sai như thế thì hỏi những trận trước không sử dụng công nghệ VAR thì như thế nào. Trọng tài sai thì nói sai, thiếu sót thì nói thiếu sót chứ không giấu diếm.
Vậy, với cương vị của Trưởng ban Trọng tài VFF, ông có muốn áp dụng VAR vào V.League?
- Muốn áp dụng VAR cực khó. Tôi muốn áp dụng để giảm áp lực cho đội ngũ trọng tài nhưng mình chưa đáp ứng được cơ sở hạ tầng, kỹ thuật tại vì muốn VAR thì phải đặt thêm một số camera ở trên sân; đặc biệt, cần nhiều yếu tố khác như: phòng VAR, đường truyền, một trận đấu thêm 4 trọng tài nữa… Nó sẽ tăng lên kinh phí rất lớn. Tôi rất muốn áp dụng VAR nhưng không phải muốn là được.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!