VPF lại thuê trọng tài ngoại: Tấm bình phong cho dư luận "đấm"
VPF sẽ lại thuê trọng tài ngoại điều khiển những trận đấu có tính chất quyết định ở hai vòng đấu cuối Nuti Café V.League 2018. Động thái này được cho chẳng khác nào làm bức bình phong "chắn ngang" dư luận.
Giải quyết tâm lý
Trưởng ban Trọng tài VFF, Nguyễn Văn Mùi từng nhiều lần bày tỏ: "Thuê trọng tài ngoại chỉ để giải quyết vấn đề tâm lý cho các đội bóng và cho chính trọng tài nội". Theo cách lý giải của những nhà tổ chức, cách phản ứng của các đội bóng khiến trọng tài nội có phần dao động.
Trọng tài bị CĐV Thanh Hóa chửi bới sau trận hòa trước Nam Định.
Thế nên, sự xuất hiện của các trọng tài ngoại, với rào cản về ngôn ngữ và các mối quan hệ, giúp họ thoải mái cầm còi. Những vị "Vua" ngoại lần đầu tiên xuất hiện ở V.League vào năm 2014.
Đó là thời điểm cuối mùa giải 2014, trận đấu bù vòng 16 giữa B.Bình Dương và FLC Thanh Hóa có ý nghĩa quyết định cho cuộc đua vô địch. BTC đã quyết định mời trọng tài Ryuji Sato đến từ Nhật Bản.
Từ đó mở ra làn sóng cho các "ngoại binh áo đen" đến với V.League. Sau 4 mùa giải, đã có gần 20 trọng tài từ Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản, Singapore, thậm chí là Campuchia đã đến V-League vào giai đoạn cuối mùa giải.
Trọng tài ngoại chỉ là giải pháp mang tính tạm thời chứ chưa thể giải quyết vấn đề rốt ráo. Ảnh: Tuấn Tú
Ông Mùi cũng từng tuyên bố: "Các CLB còn không tin họ thì hỏi làm sao mà họ tin trọng tài". Nút thắt cho câu chuyện thuê trọng tài ngoại gói gọn trong hai chữ "niềm tin".
Tấm bình phong
Câu chuyện niềm tin trọng tài ngoại đã giải quyết được bài toán áp lực từ phía trọng tài nội. Thế nhưng, việc "sính ngoại" khiến V.League phải rơi vào tình cảnh oái ăm khi chuyên môn của các ông Vua ngoại cũng mang lại bao nỗi buồn phiền cho các đội bóng.
Một trọng tài ngoại sang điều khiển 1 trận đấu tại V-League, ngoài chi phí ăn ở và đi lại, sẽ được chấm 4 ngày công, một ngày công tương đương 100 USD theo quy định của AFC.
Vòng 21 V.League 2015, trọng tài Takube Okabe được mời bắt chính ở trận chung kết sớm giữa Hà Nội - B.Bình Dương. Sau trận đấu, đến cả một người ít phản ứng ra mặt như bầu Hiển cũng kêu ca:
"Trọng tài xử lý nhiều tình huống không dứt khoát, cương quyết. Có những tình huống cầu thủ Hà Nội bị phạm lỗi khi đi bóng vào vòng cấm đối phương trọng tài không hề rút thẻ vàng, trong khi có những pha ở giữa sân lại rút thẻ. Tôi nghĩ rằng ông trọng tài này trình độ chỉ như trọng tài phường, không thể bằng trọng tài V.League, nên mời chỉ mất công, tốn tiền".
HLV Võ Đình Tân thốt lên: "Thuê trọng tài ngoại như ông Suhaizi Bin Shukri chỉ tổ tốn tiền". Ông Tân không ngần ngại chỉ đích danh trọng tài đã khiến S.Khánh Hòa BVN nhận lấy quả phạt đền oan nghiệt trong trận đấu với FLC Thanh Hóa ở vòng 25 V.League 2017.
Trọng tài Hoàng Ngọc Hà làm tốt nhiệm vụ trong trận đấu giữa FLC Thanh Hóa và Nam Định. Ảnh: Trung Thu
Cũng ở mùa giải này, trọng tài Pummarin Khamruen điều hành trận Hà Nội – Quảng Nam bị liệt vào danh sách tình nghi có tiêu cực ở Thái Lan. Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) xác nhận 12 người có liên quan đến các hành vi mua bán độ ở giải quốc nội.
Trọng tài ngoại giải quyết bài toán niềm tin từ áp lực nhưng lại vô tình đánh mất niềm tin ở khía cạnh chuyên môn. Điều cốt lõi để giải quyết câu chuyện trọng tài ở Việt Nam không hẳn là cứ "nhờ cậy" đến Vua ngoại.
Dự kiến thành lập Học viện trọng tài
Theo chia sẻ của một giám sát trọng tài có uy tín ở Việt Nam, Ban Trọng tài dự định sẽ bàn với VFF thành lập học viện trọng tài. Dự kiến, thời gian học 4 năm, chia thành nhiều học kỳ. Học viên được tuyển chọn từ các lớp sơ cấp độ tuổi 18 – 25.
Mục tiêu ban đầu là nâng số lượng học viên lên 800 - 1.000 trong 4 năm. Ngoài các giảng viên là trọng tài hàng đầu của Việt Nam, Ban Trọng tài sẽ mời Chủ tịch hội đồng trọng tài một số liên đoàn bóng đá phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc đến VN giảng dạy.