Giật mình với con số thiệt hại hàng trăm tỷ của VBA 2021
Giải Bóng rổ Chuyên nghiệp Việt Nam 2021 đã không thể đi tới cuối chặng đường, khi tình hình dịch bệnh COVID-19 đang ngày càng trở nên phức tạp. Nói về lý do và cơ sở đưa ra quyết định huỷ mùa giải 2021, Ông Trần Chu Sa - Giám đốc Vận hành VBA cho biết:
"Sau khi ban điều hành chúng tôi đánh giá nhận thấy với tình hình tăng cường công tác phòng dịch như vậy thì gần như VBA không thể duy trì các hoạt động trong thời gian tới. Dự kiến tình hình dịch bệnh còn kéo dài, trong khi hợp đồng của chúng tôi với các chuyên gia, giám sát viên, cầu thủ và HLV nước ngoài đã gần hết thời hạn, quỹ thời gian còn lại không đủ để chúng tôi tổ chức theo bất kỳ hình thức nào, dù là hình thức rút gọn nhất".
"Với quy trình hủy giải đấu như thế này, VBA đã có quy định với một số trường hợp đặc biệt. Ban điều hành sẽ tổng hợp tình hình và đưa ra đề xuất, thống nhất với chủ sở hữu các CLB VBA. Cuối cùng là trình lên Liên đoàn bóng rổ Việt Nam để chờ kết luận, sau đó công bố chính thức. Vì vậy quyết định cuối cùng không quá bất ngờ. Tuy nhiên đại diện các CLB và chủ sở hữu nhìn chung tất cả mọi người đều rất tiếc nuối vì cho tới thời điểm này chúng tôi đã đầu tư quá nhiều, không chỉ chi phí mà còn là công sức, sự cố gắng, nỗ lực để tổ chức mùa giải năm nay".
VBA vốn đã gặp nhiều khó khăn về mặt tài chính khi không thể đón cổ động viên vào sân, nay lại càng thêm vất vả. Với việc không thể phát truyền hình trực tiếp các trận đấu, không thể bán vé, không thể thực hiện các hoạt động truyền thông về giải đấu, khoản doanh thu cứ thế eo hẹp lại, trong khi chi phí ngày một tăng cao. Theo ông Trần Chu Sa, thiệt hại đã lên đến 12 con số.
"Cho tới thời điểm này, VBA chúng tôi chưa thể thống kê chính xác con số về chi phí, nhưng thiệt hại của giải đấu đến lúc này đã lên đến hàng trăm tỷ đồng. VBA vẫn chưa thể khởi tranh chính thức nên những thiệt hại đối với VBA trong suốt thời gian chuẩn bị vừa qua gần như là 100% tất cả các chi phí", Ông Sa khẳng định.
"Một trong những chi phí tốn kém nhất của VBA chính là duy trì điều kiện ăn ở và tập luyện cho các VĐV trong điều kiện cách ly hoàn toàn như hiện tại. Đối với VBA, chúng tôi không chỉ cách ly riêng với HLV, VĐV mà còn cách ly toàn bộ nhân sự, BTC, nhân sự chuyên môn, các đối tác truyền thông, truyền hình và kể cả các nhân sự phục vụ, dịch vụ như toàn bộ nhân sự tại khách sạn Mường Thanh, dịch vụ xe đưa đón".
"Tính tới thời điểm này, chúng tôi đã đầu tư để đưa các CLB về TP. Nha Trang và thực hiện tổ chức “tập trung cách ly” đảm bảo an toàn phòng dịch cho hơn 400 nhân sự. Tất cả đều cách ly 100% kể từ khi VBA đặt chân đến Nha Trang. Đây là một trong những khoản chi phí tốn kém nhất của chúng tôi".
"Bên cạnh đó là thiệt hại về các nguồn doanh thu bán vé, bản quyền truyền hình, tài trợ. Về mặt hình ảnh, đến nay VBA và tất cả các CLB chỉ có thể duy trì các hoạt động truyền thông cơ bản của các đơn vị và không thể tiến hành các hoạt động truyền thông cho giải đấu. Đây sẽ là sự thiếu hụt nghiêm trọng về giá trị truyền thông của giải đấu trong năm nay".
Theo ông Trần Chu Sa, mô hình "bong bóng" được coi là một trong những lối thoát dành cho nền kinh tế thể thao vốn đang trì trệ vì vòng xoáy COVID-19. VBA đã nỗ lực để trở thành đơn vị đầu tiên hoạt động theo mô hình này. Tuy nhiên, với việc giải đấu không thể tiếp tục tổ chức, ông lo ngại rằng sẽ có thêm những thiệt hại trong tương lai cho VBA nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung.
"Việc không thể tiếp tục duy trì sự liên tục của giải đấu về mặt hình ảnh, truyền thông và truyền hình sẽ ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của nhà tài trợ cũng như các đối tác không chỉ trong năm nay mà có thể ảnh hưởng lâu dài trong tương lai".
"Điều này sẽ ảnh hưởng chung đến sự phục hồi của nền kinh tế thể thao không chỉ riêng ngành bóng rổ, không chỉ riêng VBA mà hầu hết tất cả bộ môn thể thao, các giải đấu, đều đang phải đối diện với tình cảnh tương tự. Đây sẽ gây một khó khăn rất lớn để thể thao có thể phục hồi trở lại sau đại dịch".