Đấu vật biểu diễn: Những công ty khác ngoài WWE (Phần 1: thị trường Mỹ)
Hiện nay World Wrestling Entertainment (WWE) là công ty tổ chức biểu diễn đấu vật biểu diễn lớn nhất thế giới. Nhưng thế giới đấu vật biểu diễn không chỉ có một WWE, mà còn rất nhiều công ty nhỏ khác, cũng mang màu sắc riêng mà khán giả Việt Nam chưa biết tới.
Impact wrestling/TNA (Total Non-stop Action Wrestling)
Impact wrestling hay TNA, được thành lập vào năm 2002 bởi Jeff và Jerry Jarrett. Từng là một nhánh của NWA, nhưng sau này TNA đã tách riêng ra thành một công ty độc lập. Để cạnh tranh với WWE, TNA đã chú trọng vào tính thể thao nhiều hơn thay vì thuần giải trí như WWE.
Công ty này nổi tiếng với người hâm mộ Việt Nam do trong thời gian đầu hoạt động, họ đã thường xuyên sử dụng sàn đấu lục giác chứ không phải sàn tứ giác như đa số các công ty khác. Do đó, có một thời Impact Wrestling/ TNA đã dính liền với thương hiệu sàn đấu lục giác.
TNA nổi tiếng với lối biểu diễn "nặng đô" hơn WWE
Nhưng đó không phải điều duy nhất khiến TNA nổi bật và cạnh tranh với WWE vào thập niên 2000. Điểm nhấn đặc biệt của TNA là hạng cân X (hạng cân dưới 100kg), các đô vật TNA ở hạng cân này tuy không to lớn và cơ bắp như WWE, nhưng họ lại cực kỳ liều lĩnh và cống hiến trong biểu diễn. Với những cái tên nổi bật như AJ Styles, Low Ki, Christopher Daniels, Chris Sabin, Austin Aries... Lối biểu diễn đẹp mắt của TNA trở thành điểm sáng giá của ngành đô vật Mỹ.
Dù có một thời gian rơi vào khủng hoảng nhưng hiện tại công ty này đã ổn định trở lại và đang dần quay trở lại cuộc đua tranh chấp thị trường nước Mỹ.
Ring of Honor (ROH)
Công ty chính thức được thành lập vào năm 2001 với sự kiện The Era of Honor Begins. ROH là cái nôi cho nhiều đô vật của WWE và TNA, như Seth Rollins (Tyler Black), AJ Styles, Samoa Joe, CM Punk, Adam Cole, Daniel Bryan (Bryan Danielson), Cesaro (Claudio Castagnoli)...
Điều đặc biệt ở ROH là sự hợp tác du đấu với các công ty đối tác Nhật. ROH đem về Mỹ một lối đánh máu lửa của đấu vật kiểu Nhật và điều này nhanh chóng trở thành một yếu tố chính cho sự phát triển của công ty vào cuối những năm 2000.
Dù hiện tại công ty này đang gặp trở ngại trong một số scandal hậu trường, các trận đấu trong quá khứ và hiện tại của công ty cũng đáng để tìm hiểu nếu lối đánh của WWE đã nhàm chán với người xem.
Pro Wrestling Guerrilla (PWG)
Thành lập từ năm 2003 và là nơi tỉ thí giữa rất nhiều các đô vật indy (đô vật của những công ty nhỏ lẻ) nổi trội trên khắp nước Mỹ, PWG là một công ty do chính những đô vật làm chủ. Với sự kiện Battle of Los Angeles, công ty đã thu hút được rất nhiều nhân tài tới làm việc trong suốt quãng thời gian hoạt động.
Những cái tên nổi trội của WWE đã từng tới làm việc cho PWG là Ricochet, Seth Rollins, Samoa Joe, Aleister Black, Keith Lee, AJ Styles, Daniel Bryan, Cesaro... Bên cạnh đó, PWG cũng tạo ra những người trụ cột cho các công ty đô vật khác như Kenny Omega, Young Bucks, Joey Janella, PAC (Cựu binh WWE Neville)...
PWG là công ty chú trọng tới sự sáng tạo của các đô vật
Do là sản phẩm của sự hợp tác giữa các đô vật nên lối đánh PWG được tự do sáng tạo, có khi hài hước nhưng cũng có lúc nảy lửa. Cùng với chiến thuật đẩy sản phẩm lên Youtube vào lúc trang web này mới được thành lập, PWG đã có chỗ đứng vững chắc trong tim người hâm mộ của những giải đấu indy.
AEW (All Elite Wrestling)
Chỉ mới được thành lập gần đây, với sự hậu thuẫn của tỉ phú trẻ Tony Khan cùng cựu binh WWE Cody và 2 đô vật nổi tiếng Kenny Omega, Young Bucks. AEW đang dần chiếm vị thế quan trọng trong thị trường đấu vật biểu diễn. Cùng với sự hợp tác phát sóng trên kênh TNT, hiện có thể nói AEW là công ty lớn thứ 2 ở Mỹ chỉ sau WWE.
Với những cái tên nổi trội như cựu binh WWE Cody, Chris Jericho, Pac (Neville), Jon Moxley (Dean Ambrose) và rất nhiều những đô vật nổi trội của các công ty indy như The Jurassic Express, Fenix, Pentagon Jr, Young Bucks, Adam “Hangman” Page, tỉ phú Tony Khan đã nhanh chóng xây dựng được một lực lượng nhân lực có chiều sâu và nhiệt huyết hòng cạnh tranh trực diện với WWE.
AEW đang là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của WWE tại thị trường Mỹ.
Ngoài những cái tên nổi trội ra, tầm nhìn của AEW còn hướng tới những khán giả lớn tuổi hơn. AEW thoải mái không để đô vật của họ bị kiểm soát về mặt sáng tạo, trao cho họ cơ hội để thể hiện mà WWE không dám làm (như cựu binh Dean Ambrose và Neville).
Ngoài ra AEW còn sở hữu lượng nữ đô vật đông đảo để cạnh tranh với WWE về mảng đô vật nữ. Dù với sự khởi đầu còn gian nan khi mảng nữ của AEW còn khá rời rạc do quá mới, công ty đô vật non trẻ này đang dần định hình lại mảng divas, một tín hiệu đáng mừng cho người hâm mộ.