Kinh nghiệm phòng tránh và đối phó với chấn thương của "Nữ Hoàng Muay" Nguyễn Thị Thanh Trúc
Chấn thương có thể làm gián đoạn lịch tập cũng như thời gian biểu tập luyện của võ sĩ, hay tệ hơn là ảnh hưởng đến chính những kỹ năng của võ sĩ. Do đó, những kiến thức đối phó với chấn thương là vô cùng quan trọng và cần được quan tâm.
Chấn thương là trường hợp cơ thể gặp phải tổn thương do các tác động bên ngoài hoặc cơ thể bị quá tải mà dẫn đến chấn thương. Có rất nhiều trường hợp có thể gây ra chấn thương, bị trúng đòn quá nặng, do tập luyện sai kỹ thuật, do tập luyện quá nặng, hoặc đơn giản chỉ là không nghỉ ngơi đúng cách cũng có thể khiến cơ thể gặp chấn thương. Nói cách khác, chấn thương là một phần của thể thao.
Chính vì vậy, việc chuẩn bị những kinh nghiệm, kiến thức để phòng tránh và đối phó với chấn thương là việc tối quan trọng đối với các vận động viên. Theo lời tư vấn của Vận động viên Nguyễn Thị Thanh Trúc chúng ta nên chú ý những điểm quan trọng sau:
"Nữ hoàng Muay" Nguyễn Thị Thanh Trúc
"Trong võ thuật, nghỉ tập một ngày là bạn đã thụt lùi so với đối thủ, vì thế, nếu chấn thương không quá nghiêm trọng, bạn vẫn nên đến phòng tập và chọn những bài tập luyện phù hợp với chấn thương của mình. Nếu chấn thương tay thì tập chân, nếu đau chân thì tập tay,… hoặc tập luyện phản xạ và tư duy. Đã từng có nhiều trường hợp, nhờ chấn thương mà người võ sĩ đã phát triển được một kỹ năng khác bên cạnh kỹ năng sở trường vốn đang gặp chấn thương. Tuy nhiên, đó chỉ là việc phải làm nếu bạn là một vận động viên chuyên nghiệp, còn đối với những người chỉ giữ võ thuật ở mức độ sở thích, bạn không cần phải thúc ép bản thân quá nhiều. Hãy thoải mái."
Bên cạnh những cơn đau về thể chất, chấn thương còn gây ra những áp lực tâm lý lên tinh thần của vận động viên bởi chấn thương đồng nghĩa với việc không thể tập luyện 100% khả năng, không thể thi đấu 100% khả năng, do đó, không thể không tránh khỏi những suy nghĩ tiêu cực và áp lực. Để đối phó với những tâm lý tiêu cực lúc chấn thương, Thanh Trúc cho biết: "Hãy tập trung nghĩ về những điều tốt đẹp, tạm thời gạt bỏ những lo toan khỏi đầu óc. Nếu có thể, hãy thư thả bản thân một chút."
Chấn thương là một phần trong tập luyện võ thuật, do đó VĐV cần chuẩn bị những kiến thức, kinh nghiệm để đối phó với chấn thương
“Để giảm thiểu khả năng chấn thương, hãy tập siêng nhưng đừng tập quá sức, hãy lắng nghe cơ thể của mình. Chú trọng vào kỹ thuật, đừng cố gắng đốt cháy giai đoạn, mỗi một sai sót kỹ thuật đều có thể gây ra chấn thương trong tương lai. Luôn bảo vệ bản thân và đừng ỷ y. Một chiếc ngậm răng tốt, một chiếc nón bảo hộ tốt có thể bảo vệ bạn khỏi những chấn thương không đáng có như gãy mũi hoặc gãy răng. Trong lúc tập luyện phải tập trung cao độ .. tránh trường hợp đùa giỡn và lơ là khi vào cặp đối luyện vì đó là lý do dễ dẫn đến chấn thương nhất."
"Bên cạnh những kinh nghiệm kể trên, việc tuân thủ theo lời khuyên của các bác sĩ cũng là điều phải làm để có thể hồi phục chấn thương nhanh nhất." Thanh Trúc chia sẻ.