Những vũ khí vô dụng trên chiến trường: Giản
Để đánh giá về tính hữu dụng của một món vũ khí, người ta luôn dựa vào những tiêu chí: dễ sử dụng, giá thành rẻ và dễ sản xuất. Những món vũ khí như vậy luôn là những vũ khí có thể sản xuất hàng loạt như kiếm, giáo và hoàn toàn có thể thuần thục chỉ trong một thời gian ngắn tập luyện. Trong thời chiến, chi phí sản xuất vũ khí luôn cần được tiết kiệm nhất và quá trình sản xuất cần phải đơn giản và thích hợp để sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên trong lịch sử lại xuất hiện những thiết kế vũ không chỉ kỳ lạ mà còn quên đi những yêu cầu thiết yếu trong chiến tranh. Bài viết này sẽ giới thiệu một món vũ khí nổi tiếng trong các tác phẩm kiếm hiệp nhưng vô dụng trong chiến tranh: Giản
Giản thường dài khoảng 80cm tới 120cm, vũ khí được đúc bằng thép nguyên khối nên sẽ nặng hơn các vũ khí cùng kích thước. Cân nặng thường khoảng 1,2kg tới 1,8kg. Hình dạng vũ khí khá giống kiếm với cán và chuôi tròn nhưng phần thân lưỡi dày và hình trụ góc cạnh. Dạng vũ khí này được phân loại dựa theo hình dạng phần thân của vũ khí sẽ là 4 cạnh, 6 cạnh hoặc được phân thành chín đốt.
Giản là vũ khí được xét vào dạng vũ khí va đập như chùy. Trong nhiều tài liệu có nhắc đến việc đây là một dạng vũ khí nặng và cần phải là người có sức vóc mới có thể sử dụng tốt. Không những thế, Giản còn được đánh giá là vũ khí có sát thương rất lớn, thậm chí giết chết đối phương khi đang mặc giáp.
Vậy vũ khí này có thực sự mạnh mẽ đến vậy?
Giản là món vũ khí xuất hiện rất nhiều trong các tiểu thuyết kiếm hiệp
Đầu tiên hãy nhớ rằng bài viết ở đây đang nói đến hiệu quả trên chiến trường, nên những vấn đề như anh hùng cái thế hay kỳ nhân dị sĩ sẽ không được đưa vào bài viết này.
Để có thể hạ một người lính thì cách đơn giản và hiệu quả nhất vẫn là đâm, vì đòn đâm sẽ tạo ra lỗ hổng trên cơ thể và gần như giết chết đối phương ngay lập tức. Nhưng để hạ được một người lính bằng va đập thì đó là một vấn đề khác. Tạo hình của Giản giống như kiếm nhưng phần lưỡi là một trụ sắt thép và hoàn toàn không có điểm nặng (phần nặng nhất của vũ khí) thật sự. Trong trường hợp đánh vào giáp, với lực tác động trải đều từ thanh Giản sẽ khó mà tạo ra sát thương hay chấn động cho người mặc giáp. Đối chiếu với những vũ khí như búa chiến hay chùy Âu, những vũ khí này được thiết kế với trọng lượng dồn lên phần đầu để có thể tạo ra sát thương nặng nhất khi vung. Một số cây búa được thiết kế với phần đầu nhọn để dễ dàng đục thủng lớp giáp sắt của người lính.
Chính điều này đã làm cho Giản khó tạo ra sát thương lớn như búa chiến hay chùy Âu mặc dù hai món vũ khí đến từ châu Âu hoàn toàn có kích thước nhỏ hơn hoặc tương đương cả về chiều dài lẫn cân nặng. Bù lại với trọng lượng được tập trung vào phần đầu như chùy Âu hay búa, lực tác động tập trung vào một điểm chắc chắn sẽ tao ra sát thương rất lớn.
Giản được thiết kế như một thanh kiếm với lưỡi dày và không có mũi nhọn lẫn độ bén
Kỹ thuật sử dụng là một vấn đề khác đáng để nói tới. Giản được nhắc đến là một món vũ khí khó sử dụng không chỉ về cân nặng mà còn cả kỹ thuật. Với cân nặng lớn sẽ khó mà sử dụng được lâu dài, nhất là khi đang sử dụng cả hai tay. Các kỹ thuật sử dụng vũ khí hai tay thường sẽ rất khó để tập luyện thành thục, và trong trường hợp này còn là cả hay tay đều cầm vũ khí nặng. So sánh với trường hợp của chùy Âu hay búa thì đây là cả hai vũ khí có thể dễ dàng dùng một tay với cân nặng không quá lớn và tay còn lại có thể sử dụng khiên để tự bảo vệ mình.
Tuy nhiên ở một số tài liệu cho rằng Giản có thể dùng bằng một tay gọi là độc Giản. Nhưng vấn đề lại đặt ra rằng liệu sẽ sử dụng như thế nào, bản chất Giản không có đầu nhọn để đâm và chỉ có thể tạo sát thương bằng cách dựa vào lực va đập. Nếu so sánh với kiếm thì độc giản hoàn toàn mất lợi thế, còn so với chùy Âu hay búa thì độc giản lại thiếu đi sát thương của một món vũ khí nặng.
Giản được xem là một món vũ khí nặng
Việc đưa món vũ khí này ra chiến trường sẽ là một vấn đề khá đau đầu khi phải huấn luyện cho binh sĩ, nhưng để sản xuất hàng loạt còn đau đầu hơn cả. Giản rất phức tạp và tốn rất nhiều nguyên liệu để sản xuất nếu phải so sánh với những vũ khí cùng kích thước. Việc có cả phần trụ dày bằng kim loại sẽ tốn khá nhiều nguyên liệu, chưa kể đến việc tạo hình để phân biệt cũng sẽ tốn thêm không ít công sức để rèn. Và trong chiến trường những món hàng có chi phí sản xuất cao như vậy không bao giờ được ưu tiên, nhất là khi hiệu quả không tương xứng.
Giản tiêu tốn khá nhiều công sức và vật liệu để tạo ra
Tuy rằng có nhiều điểm trừ nhưng món vũ khí này vẫn có những ưu điểm nhất định. Giản khá giống với những mẫu ba trắc của công an hay bảo vệ thời hiện đại. Tuy ngoài chiến trường không quá hiệu quả nhưng ở thành thị và đối đầu với các tội phạm thì đây sẽ là một món vũ khí đáng để chú ý tới. Giản đáp ứng được nhu cầu trấn áp và không có sát thương cao, thế nên sẽ rất hợp lý nếu món vũ khí này được đưa vào sử dụng trong nội thành. Thêm nữa khi thấy một người cao lớn mang hai thanh sắt to nặng thì chắc chắn ai cũng phải e dè.
Trong nhiều tiểu thuyết kiếm hiệp thì đây luôn là một món vũ khí lợi hại và luôn được những cường nhân sử dụng. Nhưng ở ngoài chiến trường thực tế thì có lẽ các cường nhân đó sẽ thích dùng thương giáo hay đại đao hơn là một cây sắt có sát thương kém.