4 môn võ Olympic ở SEA Games 32: Thách thức lực lượng chờ các võ sĩ trẻ
Bên cạnh dấu ấn từ các môn võ mang tính văn hóa, SEA Games 32 tiếp tục chứng kiến cuộc đua "tam mã" giữa ba cường quốc Thái Lan - Philippines - Việt Nam. Và chúng ta không thể bỏ qua những nhân tố mới từ nước chủ nhà Campuchia, với những cái tên có thể trở thành chướng ngại cho các vận động viên nước nhà trong tương lai.
Số lượng phản ánh đúng thực tế
Trong tổng số 4 môn võ Olympic, đoàn thể thao Việt Nam áp đảo ở hai môn Wrestling (Vật, 13 HCV) - Judo (8 HCV) so với Thái Lan (Wrestling: 1 HCV, Judo: 2 HCV ) và Philippines (Wrestling, 4 HCV, Judo: 1 HCV).
Điều này không xảy ra ở hai môn còn lại, đặc biệt là Boxing (Thái Lan: 8 HCV - Philippines: 4 HCV - Việt Nam: 2 HCV) và Taekwondo các nội dung đối kháng (Thái Lan: 5 HCV - Philippines: 4 HCV - Việt Nam: 2 HCV).
Những con số trên, bỏ qua yếu tố nhạy cảm được nhắc tới suốt hành trình SEA Games 32 là vận động viên nhập tịch, hoàn toàn phản ánh đúng thực tế trình độ cũng như thành tích của vận động viên Việt Nam so với hai quốc gia còn lại trong những năm vừa qua ở đấu trường SEA Games. Tuy nhiên, nếu nhìn vào các tiêu chuẩn cao hơn, chúng ta vẫn tiếp tục phải đối mặt vấn đề: đẳng cấp Olympic.
Cuộc cạnh tranh của những "Olympian"
Khi đặt các vận động viên thi đấu ở SEA Games vào bài đánh giá mang đẳng cấp Olympic, hai bộ môn Judo và Wrestling tuyệt nhiên không có quốc gia nào sở hữu những cái tên thực sự đủ sức cạnh tranh. Cuộc đua tiếp tục nằm ở hai bộ môn còn lại.
Trên sàn Boxing, hai "Olympian" (thuật ngữ chỉ các vận động viên từng tham dự Olympic) của Việt Nam là Nguyễn Thị Tâm và Nguyễn Văn Đương đã dừng bước ngay trận đầu tiên theo những kịch bản rất tệ. Đặc biệt, Nguyễn Thị Tâm gặp chấn thương đứt dây chằng chéo trước, chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới cả hành trình ở ASIAD và vòng loại Olympic 2024 sắp tới.
Trong khi đó với Nguyễn Văn Đương, hạng cân của anh cũng đang chứng kiến thời kì vào đỉnh cao phong độ của Thanarat Saenphet - võ sĩ người Thái Lan năm nay mới 20 tuổi nhưng đã giành HCĐ Thế giới 2021 và HCV SEA Games 32. Không chỉ Thanarat, Thái Lan còn sở hữu 2 HCV thuộc nhóm VĐV trẻ nhưng đã đạt đẳng cấp thế giới như Weerapon Jongjoho (80kg) hay Jutamas Jitpong - người đã loại Nguyễn Thị Tâm trong trận đấu đầu tiên.
Nhìn sang Philippines, Nesthy Petecio và Carlo Parlam - hai huy chương Bạc Olympic Tokyo 2020 vẫn đang có phong độ vô cùng ổn định. Điều quan trọng nhất nếu nói về một vận động viên được kì vọng cạnh tranh ở hai kì Olympic liên tiếp.
Hai tấm huy chương vàng của Bùi Phước Tùng và Hà Thị Linh ở SEA Games 32 là thành tích đáng quý của Boxing Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nhìn vào mục tiêu xa hơn là ASIAD và Olympic, chúng ta vẫn phải chờ đợi những tài năng trẻ thực sự có triển vọng cạnh tranh huy chương vàng ngay ở đấu trường SEA Games.
Câu chuyện tương tự xảy ra với môn Taekwondo, HCV Tokyo 2020 Panipak Wongpattanakit vẫn cho thấy sự chênh lệch về đẳng cấp trong trận chung kết với Trương Thị Kim Tuyền. Cùng lúc đó, những cái tên như Jack Woody Mercer (người thua Lý Hồng Phúc ở trận chung kết hạng 74kg) thuộc nhóm vận động viên trẻ được đầu tư cho đấu trường châu lục và thế giới. Nhiệm vụ này tại Philippines thuộc về Kurt Bryan Barbosa, người vừa có lần đầu tiên tham dự Olympic tại Tokyo 2020.
Với môn Taekwondo, không chỉ Thái Lan và Philippines, Campuchia cũng thể hiện tham vọng với cuộc đua Olympic khi đầu tư cho võ sĩ "Cam kiều" 23 tuổi Casandre Tubbs, người đang sinh sống và tập luyện tại Mỹ vừa giành HCV SEA Games 32.
Bên cạnh mục tiêu trao đổi văn hóa, Đại hội Thể thao Đông Nam Á SEA Games luôn là sân chơi để các quốc gia trong khu vực kiểm tra quá trình huấn luyện và phong độ thi đấu của vận động viên. Tuy nhiên, SEA Games 32 lại có đặc điểm về thời gian đặc biệt khi diễn ra ngay trước hai kì đại hội quan trọng là ASIAD 19 và Olympic Paris 2024. Từ những kết quả tại SEA Games 32, các môn võ của thể thao Việt Nam đang đối mặt với thách thức lớn trong quá trình chuẩn bị lực lượng, tìm ra cơ hội cạnh tranh với những quốc gia trong khu vực ở các đấu trường đẳng cấp cao hơn.