VAR tại chung kết Silat SEA Games 31: Áp lực đè nặng những người trong cuộc
Trên thực tế, VAR đã được áp dụng ở nhiều giải Silat quốc tế thời gian gần đây, . Tuy nhiên, chỉ tới khi SEA Games 31 diễn ra trên sân nhà, các vận động viên cũng như ban tổ chức Việt Nam mới có cơ hội trải nghiệm thực tế mọi phương diện của công nghệ hỗ trợ này.
Theo tiêu chuẩn quốc tế, công nghệ VAR môn Silat cần bố trí 4 camera tĩnh ở 4 góc sàn đấu ở tất cả các nội dung biểu diễn (Seni) và đối kháng (Tanding), tín hiệu truyền về bàn kĩ thuật được theo dõi bởi một đội ngũ chuyên gia độc lập với các trọng tài.
Trong các tình huống nơi trọng tài chính chưa xác định tình huống ghi điểm thuộc về võ sĩ nào, tổng trọng tài có thể yêu cầu đội ngũ VAR cũng cấp đoạn phim ghi lại tình huống để đưa ra quyết định.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa VAR của Silat với môn bóng đá, đó là các huấn luyện viên có thể chủ động đề nghị các trọng tài kiểm tra VAR. Trong mỗi trận đấu, các huấn luyện viên mỗi đội được phát tối đa 2 thẻ khiếu nại với các tình huống gây tranh cãi hoặc không đồng ý với quyết định của trọng tài chính.
Khi thẻ khiếu nại được đưa ra, các trọng tài VAR sẽ hội ý cùng tổng giám sát phát lại đoạn băng tình huống trên màn hình lớn ngay tại khu vực thi đấu. Dựa vào đó, tổng trọng tài sẽ quyết định công nhận hay phủ nhận những khiếu nại từ phía các huấn luyện viên.
Tại SEA Games 31, không chỉ các đội tuyển, những khán giả cũng được chứng kiến không khí căng thẳng mỗi khi các công nghệ VAR được áp dụng. Đặc biệt ở ba trận đấu tại các hạng cân 50-55kg, 55-60kg và 60-65kg nam của ngày thi đấu sáng, thời gian các trọng tài VAR phải làm việc thậm chí còn ngang với thời gian thi đấu chính thức, đồng thời để lại nhiều kết quả gây tranh cãi cũng như "lật bàn" tỉ số ở những thời khác cuối.
Ở trận đấu hạng 50-55kg giữa Khoirudin (Indonesia) và Muhammad Bin Azhar (Malaysia), Khoirudin đang dẫn điểm với tỉ số 59-50 khi màn so tài chỉ còn vài giây là kết thúc.
Tuy nhiên, võ sĩ Indonesia đã tung một đòn đá trúng mặt đối thủ khiến Bin Azhar ngã xuống sàn đấu. Phản ứng dữ dội khiến một huấn luyện viên Indonesia bị truất quyền và buộc phải rời khỏi khu vực chỉ đạo. Khi VAR nhập cuộc, các trọng tài đã xác nhận VĐV Indonesia thực tế đã phạm quy với đòn đá của mình. Anh bị trừ tới 10 điểm và để thua với tỉ số sát nút 49-50, một kết quả khiến nhiều cổ động viên Indonesia có mặt tại sân bức xúc.
Tương tự với tình huống trận đấu giữa Nguyễn Trung Phương Nam và đối thủ Thái Lan Adilan Chemaeng tại hạng 60-65kg.
Khi bị dẫn điểm ở những phút cuối, Phương Nam nỗ lực thực hiện thêm hai đòn đá để cân bằng tỉ số 50-50 khi trận đấu còn 12 giây. Lúc này, Nam đang thua đối thủ do nhận một điểm cảnh cáo trước đó vì rời khu vực thi đấu khi chưa được cho phép.
Ở những giây cuối cùng, Phương Nam thực hiện một đòn đá nữa những không được công nhận, VAR nhập cuộc, nhưng lần này công nghệ hỗ trợ đã không "cứu" đại diện Việt Nam. Nguyễn Trung Phương Nam thất bại đầy đáng tiếc dù đã nỗ lực tới những giây cuối cùng.
Tương tự như bóng đá, VAR giúp quyết định của các trọng tài Silat chính xác hơn trong các tình huống tranh cãi. Tuy nhiên, công nghệ này cũng tạo áp lực lên đội ngũ huấn luyện viên và vận động viên, bởi kết quả thi đấu của họ có thể bị thay đổi trong phút chốc. Ngoài ra, trong một số trường hợp vận động viên đang dẫn điểm nhưng có dấu hiệu thua kém về thể lực, thẻ VAR còn được xem như công cụ "câu giờ" hợp lệ của các đội.