HLV Lê Thanh Xuân: “Đức và Tây Ban Nha có thể toan tính cùng nhau nhưng ở trình độ cao”
Ở trận ra quân, Đức bất ngờ thất bại trước Nhật. Trong khi đó, Tây Ban Nha thị uy sức mạnh với chiến thắng 7-0 trước Costa Rica. Nếu tiếp tục thua Tây Ban Nha, cơ hội vượt qua vòng bảng với đoàn quân của HLV Hansi Flick khá hẹp.
Đức bị dẫn trước với bàn thắng của Alvaro Morata. Những phút cuối trận, họ có bàn gỡ hòa của Niclas Fullkrug và thắp lên hy vọng vào vòng 1/8 dù chỉ mới có 1 điểm sau hai lượt trận. Theo cựu tuyển thủ QG Lê Thanh Xuân, người hâm mộ có quyền đặt giả thiết về việc hai đội bóng này toan tính cùng nhau nhưng cả hai thể hiện trình độ cao nên không nhìn được.
Đưa ra đánh giá theo hướng giả thiết song theo dõi trận đấu, HLV Lê Thanh Xuân cho rằng “cả hai đều thể hiện đẳng cấp của đội bóng lớn với lối chơi hiện đại, mãn nhãn, mang đến bữa tiệc bóng đá hấp dẫn, cuốn hút cho người hâm mộ”.
Ông Xuân phân tích: “Lối chơi của cả hai tương đồng. Đó là có kiểm soát bóng, phát triển bóng từ thủ môn. Họ chơi pressing ở ngay khu vực thủ môn đối phương. Khi mất bóng, đẩy pressing, dí khu vực đó. Còn lúc cướp được bóng, các cầu thủ triển khai nhanh. Trường hợp tấn công nhanh không được thì chuyền về cho thủ môn rồi phát triển bóng tiếp”.
Cả Tây Ban Nha và Đức đều đang theo xu hướng bóng đá mới là pressing khắp sân, ở mọi khu vực. Cựu tiền vệ tuyển Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ XX cho rằng: “Xu hướng này hiện đại, đòi hỏi ở trình độ chơi bóng cao. Thế mạnh của lối chơi này là khi cướp bóng, cơ hội ghi bàn cao vì lúc này đội có bóng triển khai nhanh khiến đối thủ mở đội hình ra, kéo giãn hậu vệ, tiền vệ, tiền đạo. Khi mất bóng, các vị trí và cự ly các tuyến không bọc lót kịp, đội pressing tầm cao dễ có bàn thắng hơn.
Tuy vậy, khi đối phương thoát pressing, đánh vào nách hai biên hoặc sau lưng hai trung vệ, cơ hội ghi bàn mở ra với họ. Hai đội đá mãn nhãn, các pha bóng liên tục khiến người xem có cảm giác nhanh hết giờ.”
Về kết quả trận đấu, ông Xuân không bất ngờ dù trước đó, Tây Ban Nha được đánh giá cao hơn. “Các đội bóng đều có bộ phận nghiên cứu đối thủ nên có những phân tích kỹ lưỡng. Đây là trận đấu quyết định, họ có sự quan sát, chuẩn bị chiến thuật tốt hơn nhiều.
Thực tế, ở lượt trận đầu tiên, các đội chưa bộc lộ hết lối chơi, con người. Khi bước vào một trân đấu ở VCK World Cup rất khác với các trận vòng loại hay giao hữu. Vì lúc đó, các đội còn giữ bí mật về cách chơi, con người.
Nhưng sau một trận đấu đầu tiên, tất cả lộ ra. Lúc đó, các đối thủ tìm hiểu, đưa ra những đối sách khắc chế đối phương. Tuyển Đức dù thua trận đầu nhưng họ đã nghiên cứu kỹ Tây Ban Nha, về cách chơi của các cầu thủ đá chính, rồi phân tích bao nhiêu quả xuống biên, gạt bóng rồi sút, tấn công khu vực nào,... Nhìn chung, các điểm yếu và mạnh đã được phân tích để đưa ra phương án phù hợp”, ông Xuân nói.
Ông Xuân cho rằng, hai bàn thắng của Đức và Tây Ban Nha cũng thể hiện trình độ của cả hai HLV. “Họ có những toan tính chiến thuật, phát hiện ra đối phương yếu điểm nào để sử dụng cầu thủ đúng vào thời điểm đó. Đây là trận đấu hay nhất từ đầu World Cup đến nay. Nó thể hiện trình độ chơi bóng hiện đại, chất lượng cao của trận đấu, cầu thủ lẫn HLV. NHM được hưởng thụ bóng đá đúng nghĩa về cái hay, cái đẹp của môn túc cầu này.
Cầu thủ chơi ở trình độ, tư duy cao, HLV đọc trận đấu, bày binh bố trận, thay người đều hoàn hảo và sai số thấp”, cựu tuyển thủ QG Lê Thanh Xuân đúc kết.