Thời điểm nào Hà Lan thật sự là "cơn lốc màu da cam"?
Ngày nay, giới bóng đá thường quen gọi đội tuyển Hà Lan là "Cơn lốc màu da cam". Nhưng trong mấy thập niên qua, người hâm mộ hầu như chỉ hiểu được tại sao lại là "màu da cam", chứ khó hình dung nổi khái niệm "cơn lốc". "Màu da cam" đương nhiên dùng để chỉ màu áo của đội tuyển Hà Lan. Thế còn "cơn lốc"? Cách gọi này xuất phát từ lối chơi tổng lực được đội tuyển Hà Lan trình diễn tại vòng chung kết World Cup 1974 ở Đức.
Lối chơi ấy độc đáo tới mức kể từ sau đó, đất nước của cối xay gió chưa từng có đội tuyển nào tái hiện được hình ảnh "cơn lốc". Thậm chí đội tuyển Hà Lan với bộ ba Frank Rijkaard, Ruud Gullit và Marco van Basten cũng không tạo nổi "cơn lốc". Họ chỉ xứng đáng được ví như "những người Hà Lan bay".
Lối chơi tổng lực là một sáng kiến vượt tầm thời đại. Hà Lan 1974 quá may mắn có một đội ngũ siêu nhân đủ sức biến lý thuyết thành hiện thực. Vì đến lúc đó, hầu như mọi người vẫn cho rằng mỗi cầu thủ chỉ đá được một vai, nghĩa là giỏi đá hậu vệ thì không thể đá tiền đạo hoặc ngược lại. Quan điểm này thật ra đến nay vẫn được không ít người thừa nhận.
Nhưng ở Hà Lan 1974, Johan Cruyff và những người bạn đều có thể hoán chuyển vị trí cho nhau. Tất cả đều có thể tham gia tấn công hoặc phòng thủ. Ngay cả khi Hà Lan không thể vô địch World Cup 1974, sức mạnh vô đối của "Cơn lốc màu da cam" vẫn là điều không thể phủ nhận, cho dù đó là chủ nhà Đức đăng quang năm đó.
Vì hơn ai hết, chính tuyển Đức với thủ lĩnh là "Hoàng đế" Franz Beckenbauer đã được trực tiếp cảm nhận thời điểm Hà Lan bộc phát sức mạnh của "Cơn lốc màu da cam". Càng kinh khủng hơn khi chứng kiến cảnh "Cơn lốc màu da cam" san bằng tất cả ở đầu trận chung kết World Cup 1974.
Lịch sử ghi nhận các cầu thủ của huấn luyện viên Rinus Michels vượt lên trước Đức ngay ở phút thứ 2 nhờ vào bàn thắng trên chấm phạt đền của Johan Neeskens. Thế nhưng, chính quá trình dẫn tới bàn mở tỷ số đó mới phản ánh đúng hình ảnh của "Cơn lốc màu da cam".
"Cơn lốc màu da cam" bắt đầu nổi lên khi được giao bóng. Willem van Hanegem chuyền cho Cruyff. Sau đó bóng tới chân Johan Neeskens, rồi đến Ruud Krol. Chỉ trong vòng 30 giây, gần như toàn bộ đội hình Hà Lan đã tràn sang phần sân đối phương. Bóng tiếp tục luân chuyển qua Wim Rijsbergen, Arie Haan với Wim Suurbier.
Khi Rijsbergen chuyền cho "Thánh" Cruyff xông vào vùng 16m50, phía Hà Lan chỉ còn 2 cầu thủ chưa chạm bóng là tiền vệ Johnny Rep và thủ môn Jan Jongbloed. Tuyển Đức với các huyền thoại như Beckenbauer, Paul Breitner, Berti Vogts, Uli Hoeness, Wolfgang Overath hoặc Gerd Muller đều không thể đến gần bóng chứ chưa tính đến việc tranh chấp.
Để ngăn cản Hà Lan, Uli Hoeness chỉ còn cách phạm lỗi với Cruyff để chịu phạt đền. Vậy là qua 120 giây bất lực nhìn Hà Lan thực hiện 25 đường chuyền, người Đức mới chạm được vào bóng. "Vinh dự" đó thuộc về Sepp Maier, khi thủ môn huyền thoại vào lưới nhặt bóng đem ra cho đội nhà giao bóng. Đó chính là thời khắc Hà Lan thể hiện trọn vẹn hình ảnh "Cơn lốc màu da cam". Lịch sử chung kết World Cup chưa từng có đội nào mở màn trận đấu bằng cách nghiền áp đối thủ như Cruyff và những người bạn.