Ferrari một mình chống lại làng F1: Siêu quyền lực
Quyết định đưa ra giá trần động cơ cung cấp trong một mùa (12 triệu bảng/mùa cho động cơ mới và 8 triệu bảng/mùa cho động cơ một năm tuổi) là phương án được sự đồng thuận rộng rãi của FIA, ông chủ nắm quyền thương mại F1 Bernie Ecclestone và các đội đua khác. Nó được hi vọng sẽ giảm đáng kể gánh nặng tài chính đang khiến các đội đua nhỏ đứng trước nguy cơ phá sản.
Thế nhưng, Ferrari với tư cách nhà cung cấp động cơ hàng đầu của làng F1 đã quyết định dùng phiếu phủ quyết, gạt đề nghị này sang một bên. Bước đi này đã khẳng định tin đồn lâu nay trong làng đua xe rằng Ferrari có quyền phủ quyết mọi thay đổi trong điều lệ kỹ thuật, thậm chí cả trong khía cạnh thương mại nếu họ muốn.
Tất nhiên là FIA và Ecclestone vẫn còn “hậu chiêu” khi đang vận động đưa nhà cung cấp động cơ độc lập giá rẻ với ưu đãi kỹ thuật tiến vào làng F1 năm 2017. Thế nhưng chắc chắn họ sẽ phải hiệp thương với Ferrari, đại gia có lá phiếu chống mang tính quyết định.
Quyền lực từ lịch sử
Theo tiết lộ, Ferrari có là phiếu chống từ những năm 80 của thế kỷ trước. Mục đích của lá phiếu này là để giữ chân đội đua giàu truyền thống nhất lịch sử ở lại với F1, khi đội này đã nhiều lần dọa sẽ dứt áo ra đi. Thương hiệu Ferrari thậm chí còn có giá trị hơn cả thương hiệu F1. Nếu họ bỏ đi, F1 sẽ đánh mất vị thế số một trong các thể thức đua xe bốn bánh.
Giữ Ferrari cũng có nghĩa là F1 giữ được lượng fan khủng của đội đua và thương hiệu này. Hơn nữa, lá phiếu chống của Ferrari cũng được đội đua Italia sử dụng khá cẩn trọng. Phiếu chống vừa rồi là trường hợp hiếm hoi người ta thấy Ferrari ra tay khi quyết định trên ảnh hưởng trực tiếp đến vị thế và thu nhập của họ.
Bảy năm qua, Ferrari cũng chưa bao giờ lên ngôi vô địch. Điều đó cho thấy lá phiếu này cũng không khiến cuộc chơi trở nên thiếu công bằng và các đội đua khác vẫn có đủ điều kiện để đánh bại “chú ngựa tung vó” đến từ Italia.
Những hệ lụy
Thế nhưng “phiếu chống” của Ferrari cũng đang khiến làng F1 lao đao. Rất nhiều đại gia nhăm nhe đầu tư vào F1 đã quyết định dừng tay khi biết quyền phủ quyết của đội đua này. Không chỉ có tiếng nói không quyết định trong các thay đổi kỹ thuật, Ferrari cũng có quyền lên tiếng nhất định trong các lĩnh vực quan trọng khác.
Cụ thể như việc ai sẽ là người lèo lái bản quyền thương mại F1 trong tương lai khi Ecclestone về hưu cũng vì Ferrari mà trở nên phức tạp. Ecclestone từng muốn chọn giám đốc điều hành tài năng của Red Bull là Christian Horner kế vị mình. Thế nhưng phản ứng tiêu cực từ Ferrari khiến kế hoạch này lập tức đi vào ngõ cụt.
Lá phiếu của Ferrari cũng chính là yếu tố quyết định các ăn chia tiền thưởng không công bằng của làng F1 hiện tại. Theo cách chia này, dù thắng hay bại trên đường đua thì tiền thưởng cho đội đua Italia vẫn là nhiều nhất dựa trên yếu tố lịch sử. Đây cũng chính là điểm khiến các đội đua nhỏ kiện F1 lên tận Ủy ban Châu Âu, khiến tương lai của F1 đang đầy bất trắc.
Ferrari là yếu tố cốt lõi của giải đua F1. Một Ferrari mạnh mẽ có lẽ cũng đem lại lợi ích chung cho mọi người, thế nên bản thân các đội đua khác cũng không mấy khi than phiền về quyền phủ quyết này. Thế nhưng thời thế giờ đã khác. Ferrari đã 7 năm không nếm mùi chiến thắng và cũng vừa mới chính thức ra mắt sàn chứng khoán New York. Áp lực từ nhà đầu tư cùng cơn khát chiến thắng có thể sẽ khiến Ferrari không còn cách nào khác là “lạm dụng” siêu quyền lực đang nắm trong tay.