Dọc đường AFF Cup 2022: Muôn nẻo mưu sinh của người Việt trên đất Lào

chủ nhật 18-12-2022 11:50:30 +07:00 0 bình luận
Đâu đâu ở Vientaine hay ở bất cứ nơi nào ở đất nước Lào, người Việt hiện diện với những nghĩa cử ấm lòng đồng bào.

Đồng hành cùng tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2022, chúng tôi quyết định đi bằng đường bộ, từ Huế lên cửa khẩu Lao Bảo, qua nước bạn Lào. Chuyến xe xuất phát từ Nong (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế), men theo Quốc lộ 1A, lên cửa khẩu Lao Bảo. Trên xe chỉ lác đác một vài người, còn chủ yếu là hàng hóa.

Vẻ thanh bình miền quê ở Lào.

Dọc hành trình chỉ 300km nhưng tài xế liên tục dừng đỗ, nhận hàng. Số lượng người càng đông nhưng chỉ phủ đầy hơn nửa số ghế. Hàng hóa được chất đầy cả trong lẫn trên trần xe. 

Trên chuyến xe đi Lào đó, chúng tôi nhẩm tính chỉ có khoảng 1-2 người quốc tịch Lào. Bác tài xế bảo: “Người Việt sống ở Lào rất đông. Xe chủ yếu vận chuyển hàng hóa để phục vụ nhu cầu mua bán của bà con. Giờ đây, khi cho phép chở hàng hóa, khách mới đông theo chứ trước đây, ít người lắm”.

Xe dừng đỗ ở quán ăn thuộc tỉnh Sannanekhet, chủ là người Việt Nam, bày biện đầy đủ các món đặc trưng quê nhà. Trên màn hình tivi cũng đang chiếu các chương trình của đài ở Việt Nam. 

Chú Soạn đã cùng gia đình sang Lào định cư lâu năm, trên chuyến xe gần 20 tiếng từ Huế sang Vientiane.

Chú Soạn (hơn 50 tuổi) cùng gia đình sang sinh sống ở Lào, đi cùng chuyến xe kể: “Tôi sang đây làm đủ các thứ việc, đụng đâu làm đó”. Chị Tiến, người sống 4 năm ở Lào khi làm tiểu thương ở chợ Thong Khan Kham nhưng cũng đủ tích cóp để xây ngôi nhà, thường xuyên đi lại giữa Lào và Việt Nam. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng tựu trung, tất cả vì mưu sinh.

Xe bon bon chạy, đến bến xe phía Nam Lào lúc 4h sáng. Ở nơi đất khách quê người, lại vào khung giờ sáng sớm, tâm lý lo sợ len lỏi. Thấy vậy, chú Soạn trấn an “đừng lo, bà con Việt ở Lào đông lắm”.

Thế là, chú vẫy xe quen thuộc, dẫn chúng tôi về trung tâm thủ đô Vientaine. Trời chập choạng tối, dưới cái lạnh tê buốt của mùa Đông ở Lào, chú chỉ bảo: “Nơi đây thường xuyên tắc đường vào giờ sáng và chiều tà. Cứ tránh giờ đó thì không lo bị trễ việc”. Rồi xong, chú dặn tài xế chở chúng tôi đến tận địa điểm đã đặt trước rồi vẫy tay chào dù mới chỉ lần đầu gặp.

Ở Lào, các phương tiện công cộng không phát triển. Thật khó để đi xe bus hay bắt xe công nghệ. Tuk tuk là phương diện di chuyển phổ biến, giống như xe lam thời trước đây ở Việt Nam.

Đến gần thời điểm chuyến bay của đội tuyển Việt Nam đáp xuống sân bay Wattay, thấy chúng tôi có vẻ sốt ruột, một phụ nữ lại chào hỏi. Bà là Monlodi, 48 tuổi, làm nghề chạy xe tuk tuk. Sau một hồi mặc cả giá, chúng tôi lên xe và thế là câu chuyện cứ tuôn.

Bà Monlodi bên chiếc xe tuk tuk đã gắn bó gần 30 năm. 

Bà bảo, bà là dâu Việt Nam. Chồng bà quê ở Hà Nội, sang đây làm ăn rồi hai người đến với nhau. Chồng bà tên Tuấn, cả hai cùng hành nghề lái xe tuk tuk. “Cuộc sống khó khăn, hai vợ chồng lâu lắm rồi chưa về thăm lại Việt Nam”, bà trải lòng.

Ở Vientaine, đi nơi đâu cũng thấy các quán ăn, cửa hàng có dòng chữ Việt. Chị Vy cùng chồng sang lập nghiệp ở Lào khoảng 10 năm, khi hai người vừa tốt nghiệp Đại học. Cả hai xây dựng cơ ngơi cho mình là một khách sạn, nhà hàng cùng các dịch vụ xe đưa đón.

Bà Hoa cùng gánh hàng rong ở dọc sông Mê Kông.

Trên đất bạn, nhưng bữa ăn chị Vy nấu ra bày biện mọi thứ như ở Việt Nam khiến chúng tôi có cảm giác ở quê nhà. Từ những câu chữ trên tường, đến các chương trình trên truyền hình, có sự gần gũi với lữ khách phương xa đến với Vientaine.

Người hâm mộ Việt Nam chào đón các tuyển thủ QG ở sân bay Wattay.

Có những người đạt thành tựu nhưng cũng có người có phận số. Bà Hoa, quê Thanh Hóa, tất tả gánh gồng hàng rong mưu sinh ở dọc đường bờ sông Mê Kông. Cuộc sống lam lũ, mưu sinh nơi đất khách quê người của người phụ nữ ngoài 60 chưa thể giúp bà có vốn liếng trở về quê hương. Nhưng bà tặc lưỡi: “Cuộc sống mà”.

Họ, những người Việt, ngày ngày mưu sinh trên đất bạn. Và khi nghe tin tuyển Việt Nam sang Lào thi đấu, chú Soạn hay vợ chồng chị Vy cũng kháo nhau rằng, kiểu gì cũng phải thu xếp để cổ vũ đội bóng quê hương.

 

Trần Khánh
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội