Hãy học Chelsea, hãy học Carlo Ancelotti, Việt Nam có thể vượt qua Iran
1. Trước vòng 35 Premier League 2009/2010, Chelsea của HLV Carlo Ancelotti tạm dẫn đầu với 77 điểm, bỏ xa đối thủ bám đuổi Man United 4 điểm. Tại vòng đấu này, The Blues thi đấu sau còn Quỷ đỏ phải chạm trán Man City.
Hai trận đấu cách nhau chưa đầy 5 tiếng nên trong phòng thay đồ, chiến lược gia người Italia mở trận derby thành Manchester cho các học trò xem. Nhưng rồi, chính chiến thắng của Man United đã tạo ra áp lực lớn cho các cầu thủ Chelsea, đó là thứ áp lực mà ba mùa giải trước đó, họ chưa thể vô địch Premier League.
Carlo Ancelotti thừa nhận: “Tuần trước, chúng tôi hơi mệt mỏi nhưng đó không phải do thể lực mà do các cầu thủ cảm thấy sức ép tâm lý đè nặng khi thấy Scholes ghi bàn ở phút bù giờ và khiến cuộc đua vô địch lại khó khăn hơn”.
Thừa nhận là thế và chính ông khẳng định cùng các cầu thủ sẽ không bị nhấn chìm bởi sức ép đó nữa: “Sức ép là một loại động lực trong cuộc sống của tôi”, ông nói. Một tuần sau, Carlo Ancelotti không ngó ngàng gì đến trận đấu của Man United.
Man United đánh bại Tottenham 3-1 để gây sức ép lên Chelsea nhưng ngày mà Quỷ đỏ tạm chiếm ngôi đầu, Chelsea đã hành động bằng cách khác. Thay vì xem đối thủ thi đấu, họ chọn cách đi xem phim.
Carlo Ancelotti chọn “Clash of the Titans”, một phim thần thoại nói về cuộc chiến giữa các vị thần Zeus cai quản bầu trời, thần Hades cai quản địa ngục và thần Poseidon cai quản biển cả. Nội dung của phim này có thể là một liệu pháp tinh thần tốt đối với các cầu thủ Chelsea. Sau đó, họ đánh bại Stoke 7-0. Đó là bước ngoặt, bước ngoặt đối diện với sức ép để lên ngôi vô địch với 1 điểm nhiều hơn đối thủ khi mùa giải kết thúc.
2. Câu chuyện của Chelsea và Carlo Ancelotti nhắn nhủ rằng, cách để vượt qua sức ép là hãy xem nhẹ nó, không quan tâm đối thủ là ai, đối thủ mạnh yếu như thế nào mà là làm sao để tạo sự thoải mái trong tư tưởng của mỗi cầu thủ.
Iran không phải Man United còn Việt Nam không phải Chelsea. Hoàn cảnh của cả hai không như nhau nhưng có một điều, mẫu số chung của Việt Nam và Chelsea là xem Iran cũng như Man United là… đối thủ. Đó là vật cản mà mỗi đội bóng phải tìm cách vượt qua.
Trong mắt ĐT Việt Nam, Iran chính là “hòn đá tảng”. Họ được dẫn dắt bởi Carlos Queiroz, người từng đồng hành cùng Sir Alex Ferguson, dẫn dắt cả Real Madrid lẫn ĐT Bồ Đào Nha. Họ xếp thứ 29 ở BXH FIFA, hơn Việt Nam tới 71 bậc.
Đội bóng này cũng 3 lần vô địch Asian Cup và mới nhất là tạo nên những ấn tượng mạnh tại World Cup 2018. Họ suýt khiến Bồ Đào Nha ôm hận. Hơn 1 nửa đội hình của Iran chinh chiến ở nước ngoài và rất nhiều trong số đó thi đấu ở châu Âu.
Còn Việt Nam mới chỉ lần thứ 2 tham dự Asian Cup và lần đầu tiên vượt qua vòng đấu loại giải đấu này. Việt Nam buộc phải giành kết quả tốt. Trong khi đó, Iran vẫn “được phép thua” ở khía cạnh điểm số.
Sức ép bủa vây với ĐT Việt Nam rất lớn. Nhưng nếu bóng đá không có sức ép hay áp lực thì đó là thứ bóng đá “vô tri, vô giác”. Carlo Ancelotti nói: “Sức ép là một loại động lực trong cuộc sống”.
Vượt qua sức ép bản thân mới có thể giúp mỗi cầu thủ trưởng thành. Iran mạnh, đó là khẳng định của HLV Park Hang Seo nhưng với ông: “Trong bóng đá luôn có bất ngờ và chúng tôi sẵn sàng tạo nên những điều thú vị cho môn thể thao này. ĐT Việt Nam sẽ cố gắng chơi hết khả năng của mình và không sợ Iran”.
Sau thất bại trước Iraq, ông Park rất tâm lý khi để các cầu thủ nghỉ ngơi một ngày. Ông cũng khuyên các học trò không dùng mạng xã hội để tránh đọc những bình luận không hay. Bản thân ông cũng không dùng mạng xã hội hay thư điện tử. Ông bảo rằng, ông không việc gì phải lo lắng với dư luận ở Việt Nam vì không biết… tiếng Việt.
Sự thoải mái, giải phóng tư tưởng cho chính mình mới là bước đệm để đối diện với những thử thách lớn ở phía trước.