Pháp mất thêm 180 triệu euro đảm bảo an ninh cho EURO?
Còn nhớ, ngày nhận được quyền đăng cai EURO 2016, LĐBĐ Pháp (FFF) cam kết với UEFA là lợi nhuận tài chính sẽ tăng gấp đôi so với kỳ EURO trước. Nhưng gần 2 tỷ euro được đầu tư vào EURO 2016 ư? Gần 800 triệu euro nước Pháp thu được ư? 10 sân bãi được làm mới và hàng ngàn công việc được tạo ra ư?... Những thứ ấy bây giờ không còn quan trọng nữa, thay vào đó mục tiêu số 1 và mục đích thành công hướng đến của nước Pháp trong công tác tổ chức đăng cai EURO 2016 là không để thảm kịch như ở Paris, hay ở tòa soạn tạp chí biếm họa Charlie Hebdo hồi đầu năm, xảy ra thêm.
Tất cả chỉ còn có 9 tháng, thời gian quá gấp gáp để UEFA và FFF đẩy quyền đăng cai sang quốc gia khác và cũng có thể, với hình ảnh của một quốc gia lớn, nước Pháp không thể “đầu hàng”. Khẳng định được vị thế của một cường quốc, chống được khủng bố, đấy mới là giải pháp chính phủ Pháp phải làm. Một vụ thảm sát gây thiệt mạng và thương vong, dù rất lớn và tạo ra nhiều nỗi lo, nhưng chưa đủ để người Pháp bỏ cuộc đăng cai ngày hội bóng đá châu Âu.
Vì thế, lúc này không còn những câu chuyện kiếm tiền từ EURO nữa. Ban đầu, theo truyền thông Pháp, thống kê dự tính rằng nếu tổ chức EURO 2016 được cấp gần 2 tỷ euro thì lợi nhuận nước Pháp thu về là gần 800 triệu euro. Khoảng 650 triệu euro đó thuộc về các tổ chức xã hội và 150 triệu euro thuộc về chính phủ Pháp. Nước đăng cai cũng ước tính rằng, chi phí an ninh cho EURO 2016 trong giới hạn là 120 triệu euro, tức chỉ cao hơn 18 triệu euro so với chi phí an ninh của kỳ EURO trước đó được tổ chức ở 2 nước là Ba Lan và Ukraine. Khoảng 10.000 cảnh sát và nhân viên an ninh được lựa chọn (chỉ tính riêng khi trận đấu diễn ra, chưa tính lực lượng tham dự bên ngoài sân và các địa điểm khác).
Như tại thành phố Lille, mỗi trận đấu được cấp tài chính đảm bảo an ninh là 373.500 euro, nghĩa là với 6 trận đấu diễn ra ở đây thì chi phí cho các trận chỉ hơn 2,2 triệu euro. Tổng cộng, khoảng 53 triệu euro dành cho an ninh khi 51 trận đấu của EURO 2016 diễn ra và phần còn lại dành cho an ninh các khu vực quanh sân vận động, khu Fan Zones, các địa điểm ăn uống của CĐV, các khu ăn nghỉ của cầu thủ và giới quan chức. Trước vụ khủng bố mới đây, FFF và Bộ Nội vụ Pháp đã ký văn bản cam kết đảm bảo an ninh cho mọi công tác tổ chức EURO 2016 - thời hạn có giá trị trong 1 tháng (từ 10/06 đến 10/07/2016).
Tuy nhiên, vụ khủng bố đẫm máu làm rúng động cách đây vài hôm đã phá vỡ kế hoạch “kiếm tiền từ EURO” của FFF cũng như chính phủ Pháp. Trên 2 tờ báo là Le Figaro và L’Express, nhận định chi phí tài chính cho công tác an ninh ở EURO 2016 sẽ phải tăng từ gấp 2 đến 2,5 lần. Nghĩa là con số lúc ấy ước chừng phải từ 240 triệu euro đến 300 triệu euro. Số lượng nhân viên an ninh sẽ phải tăng gấp đôi, không còn là con số 200 hay 300 viên cảnh sát và nhân viên giữ trật tự trong một trận đấu nữa. Nó có thể sẽ phải lên đến 700 hay 800 nhân viên an ninh như vẫn được áp dụng trong các trận “kinh điển nước Pháp” (giữa PSG và Marseille). Số lượng đó sẽ được phân chia là 300 người trong sân bãi (một số trên khán đài) và 400 người còn lại bên ngoài SVĐ. Tại EURO 2016, lượng người tham gia đảm bảo an ninh mọi khâu theo thống kê của UEFA là 2.728 người, vậy EURO 2016 liệu có dừng lại ở con số đó?
Ngoài chi phí đó, sự đầu tư tài chính cho việc xây dựng chiến lược chống khủng bố trong mọi hoàn cảnh lúc này cũng được tính đến. Tất cả được đặt trong tình trạng báo động và tất cả cũng là vì sự an toàn của EURO.
Sân vận động là nơi an toàn nhất?
Là nơi tụ tập đông đảo và xuất hiện đủ các tầng lớp, thành phần, song tại chính trong sân vận động thì các chuyên gia cảnh báo khủng bố lại nhận định là nơi an toàn nhất. Dễ hiểu thôi, khi mà trong các sân bãi luôn được bố trí lực lượng an ninh dày đặc trong khi cửa vào lại được kiểm soát khá nghiêm ngặt. Bản thân những người mua vé vào xem hầu hết cũng đã được xác định danh tính (thông qua danh mục ghi trong vé).
Theo dự kiến, hôm nay, thứ Hai ngày 16/11, FFF sẽ chủ trì cuộc họp giữa Hội đồng an ninh với BTC EURO 2016. Nhiều khả năng kế hoạch tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn, đồng nghĩa tăng chi phí an ninh cho giải đấu sẽ được đem ra bàn thảo trong cuộc họp.
An ninh đã là sự ưu tiên chúng tôi đặt ra khi ứng cử và nay nhiệm vụ đó lại càng được đề cao hơn nữa. Dự kiến, đến tháng Giêng tới LĐBĐ và chính phủ Pháp sẽ đánh giá lại mức độ rủi ro và bắt đầu chiến dịch phòng chống”. - Chủ tịch LĐBĐ Pháp, Noel Le Graet