Hiệp phụ trong bóng đá: Đặc sản hơn là gân gà!
Khi VCK EURO 2016 bước vào giai đoạn đá loại trực tiếp vào tối nay, đấy cũng là lúc hiệp phụ được dùng để xác định thắng thua nếu hòa trong giờ đấu chính thức.
Hiệp phụ không giải quyết được vấn đề?
Nhưng trong mắt giới chuyên môn, 2 hiệp đấu với mỗi hiệp 15 phút này hiện chẳng khác nào gân gà, vì dường như chỉ có tác dụng vắt kiệt sức các cầu thủ trước lúc bước vào loạt đá luân lưu 11m.
Bằng chứng là có tới 10 trong 15 trận qua tại các VCK EURO và World Cup kết thúc ở loạt “đấu súng”, sau khi các đội phải bước vào hiệp phụ.
Thậm chí ở cấp CLB, hiện tượng này cũng chẳng khác do trong 12 trận chung kết gần đây của Cúp C1/Champions League phải kéo dài sang hiệp phụ, có tới 10 trận cần tới loạt “đấu súng”.
Nếu tình hình cứ như vậy, phải chăng sắp đến lúc tính tới việc hủy bỏ hiệp phụ để sau khi hòa nhau trong 90 phút thi đấu, hai đội sẽ bước ngay vào loạt đá 11m cho nhanh, gọn, lẹ mà còn đỡ tốn sức?
Cái gì tồn tại đều có lý do của nó
Thật ra, trận đấu phải kéo dài hơn dự kiến chẳng phải điều mới mẻ. Trong quyển sách về lịch sử FA, chúng ta từng biết việc cộng giờ sớm xuất hiện ngay từ năm 1897.
Ở trận chung kết giải VĐ Đức năm 1922, Hamburg và Nuremburg phải đá tới 99 phút cho đến lúc có một bên ghi bàn, sau khi hòa 2-2 ở giờ đấu chính thức. Nhưng do chẳng bên nào ghi bàn mà trời đã tối, hai đội phải đá lại sau đó 7 tuần, dù rốt cuộc kế hoạch này cũng bị hủy, vì Nuremburg chỉ còn 7 cầu thủ do chấn thương và bị treo giò.
Nhằm khắc phục những phiền phức tương tự, nhất là việc phải tổ chức đá lại, hiệp phụ đã ra đời và nếu vẫn không xác định thắng bại thì hai đội phải tung đồng xu xấp ngửa.
Nhờ đó, Giacinto Facchetti đã đi vào lịch sử khi chọn trúng mặt đồng xu giúp Italia loại Liên Xô ở bán kết EURO 1968 trong trận đấu duy nhất lịch sử EURO và World Cup phải dùng đến cách này.
Vì giải quyết thắng bại chỉ bằng việc tung đồng tiền rõ ràng quá nghiệt ngã nên vào năm 1970, Hội đồng làm luật của FIFA (IFAB) quyết định thay thế tung đồng xu bằng đá luân lưu 11m sau 2 hiệp phụ.
Nhưng thật trớ trêu là từ đây ở các giải quốc tế, những trận đấu kéo dài sang hiệp phụ lại thường kết thúc bằng loạt sút luân lưu!
Nổi tiếng nhất ắt hẳn là trận bán kết World Cup 1982 giữa Tây Đức với Pháp, không chỉ vì sự kiện thủ môn Harald Schumacher đấm vỡ hàm hậu vệ Pháp Patrick Battiston, mà do Die Mannschaft “đấu súng” thắng 3-1.
“Cái chết bất ngờ” và “bàn thắng bạc”
Tuy nhiên, vì hiệp phụ ngày càng tạo cảm giác chỉ là giai đoạn chuyển tiếp của trận đấu trước lúc đá luân lưu nên tới thập niên 90, giới bóng đá cảm thấy cần phải điều chỉnh nhằm giúp 2 hiệp phụ không còn là miếng gân gà nữa.
Vậy là vào năm 1993, FIFA thông qua luật “bàn thắng vàng” trong hiệp phụ với ý tưởng cổ súy cho tấn công. Luật mới này còn được gọi là “cái chết bất ngờ”, vì trận đấu chấm dứt ngay khi có đội ghi bàn và đó là đội chiến thắng.
VCK EURO 1996 là giải lớn đầu tiên áp dụng “cái chết bất ngờ”, khi thủ môn Czech Petr Kouba mắc sai lầm giúp Oliver Bierhoff ghi bàn cho Đức ở phút 95. Còn ở UEFA Cup, Liverpool vô địch năm 2001 chính nhờ thắng Alaves 5-4 bằng “bàn thắng vàng”, và đây đúng là “cái chết bất ngờ” do Delfi Geli phản lưới nhà.
Tuy nhiên, ngay cả người được hưởng lợi như HLV Liverpool Houllier hay người thiệt thòi như Kouba đều không thích “bàn thắng vàng”. Houllier phân tích: “’Bàn thắng vàng’ thoạt trông có vẻ hay, nhưng đấy là ý tưởng tồi cho bóng đá và sự công bằng”.
Được góp mặt ở VCK EURO 2016 với tư cách HLV thủ môn của Tuyển Czech, Kouba giải thích: “Quy định ấy thật bất công và tàn nhẫn. Bởi chúng ta đều biết ngay cả khi bị dẫn bàn, thời gian còn lại vẫn đủ để lật ngược tình thế. Ngoài ra, vì sợ ‘bàn thắng vàng’, có mấy đội dám mạo hiểm tấn công?”.
Hậu quả là “bàn thắng vàng” gây tác dụng ngược: Thay vì khuyến khích tấn công, lại khiến các đội thận trọng hơn.
Vậy là FIFA lại điều chỉnh: Thay “bàn thắng vàng” bằng “bàn thắng bạc”, nghĩa là sau khi có bàn thắng, trận đấu vẫn tiếp diễn cho đến hết hiệp phụ đó. Nhưng đến VCK EURO 2004, “bàn thắng bạc” cũng bị xếp xó để trả lại 30 phút trọn vẹn cho 2 hiệp phụ.
Cho đến tứ kết năm 2008 giữa Croatia với Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà làm luật càng nhận ra họ quyết định chính xác như thế nào. Vì tới phút 119 của hiệp phụ thứ 2, Croatia mới mở được tỷ số. Nhưng chỉ cần 2 phút bù giờ, Thổ Nhĩ Kỳ đã kịp gỡ hòa.
Các đội thường không chuẩn bị kỹ cho hiệp phụ
Giữa lúc chưa tìm được biện pháp lý tưởng để quyết định thắng bại ngay trong hiệp phụ, một vấn đề nữa cần bàn tới: Hiệp phụ có làm giảm sức hấp dẫn của trận đấu hay không khi cầu thủ không đảm bảo thể lực đá 120 phút? Và liệu các đội có chuẩn bị kỹ để bước vào hiệp phụ hay không?
“Làm gì có chuyện đó, vì đâu phải lúc nào trận đấu cũng kéo dài sang hiệp phụ”, Nick Grantham – một HLV thể lực làm việc cho các CLB ở Premier League khẳng định. “Nhưng nhờ được tiếp nước, chẳng có lý do gì khiến họ không thể thi đấu hơn 90 phút, vì cầu thủ hầu hết đều là VĐV thượng hạng, chưa kể các bài tập thể lực đặc biệt thừa sức giúp họ”.
Vì thế, vấn đề kiệt sức thật ra là do tâm lý gây ra. Giáo sư John Sullivan – một chuyên gia tâm lý học thể thao đang tư vấn cho Tuyển Anh cùng nhiều CLB Premier League phân tích: “Trong các tình huống chịu sức ép cao như bước vào hiệp phụ, cầu thủ dễ bị ngộp do cảm xúc nên chóng mệt. Trong nhiều môn thể thao, mọi người thường cho rằng không thể cải thiện được tình hình, nhưng sự thật là có thể cải thiện được”.
John Sullivan giải thích: “Tôi sẽ yêu cầu các VĐV chạy trên máy chạy bộ và đạp xe với tốc độ cao để nhịp tim tăng lên. Cách này giúp họ giảm sức ép gây ra mệt mỏi do tạo được sự căng thẳng như trên sân”.
Những cách đảm bảo thể lực đá hiệp phụ
Dù vậy, muốn hiệp phụ vẫn đạt chất lượng chuyên môn không đơn giản, vì khi mệt mỏi quá mức sau 90 phút thi đấu, cầu thủ rất khó duy trì phong độ như thế ở hiệp phụ.
HLV Grantham thừa nhận: “Cầu thủ càng mệt mỏi sẽ càng đưa ra quyết định tệ hơn, nên chuồi bóng có thể chậm hoặc sớm hơn khiến bản thân hoặc đối phương chấn thương”.
Do đó, Giáo sư Sullivan cho rằng yếu tố quyết định thắng bại là phương pháp hồi phục cho cầu thủ mà cần bắt đầu từ trước lúc kết thúc 90 phút.
Ông cho biết: “Nếu cầu thủ bắt đầu hồi phụ vào cuối trận là quá trễ. Chúng ta cần dạy họ cách kiểm soát năng lượng và hồi phục ngay khi đang thi đấu. Lúc đó, họ sẽ chiếm ưu thế mà chúng tôi gọi là ‘lợi thế của nhận thức’ do đầu óc tỉnh táo hơn đối phương”.
Để làm được điều này, Sullivan khẳng định không khó. Ông tiết lộ: “Nếu chúng ta dạy cho họ cách giảm nhịp tim chỉ sau 2 hơi thở, họ sẽ mạnh mẽ và sung sức hơn. Cách thở hợp lý còn giúp não thanh tĩnh, không có phản ứng tiêu cực do tác động từ căng thẳng”.
Cũng theo Grantham, đây là giải pháp cần triển khai vì không loại trừ khả năng khi bước vào giai đoạn đá loại trực tiếp, có đội phải đá một mạch 4 trận đến chung kết đều trải qua hiệp phụ.
Tương lai nào cho hiệp phụ
Dù vậy, những giải pháp giải quyết thể lực vẫn không thể xóa bỏ ý tưởng khai tử hiệp phụ, vì rõ ràng là bất công nếu một đội vừa được nghỉ nhiểu hơn, lại không phải đá hiệp phụ gặp đối thủ vừa trải qua loạt sút luân lưu.
Theo Grantham kiến nghị, UEFA có thể học theo Football League Trophy khi trận đấu kết thúc 90 phút vẫn hòa thì tiến hành đá 11m. Trên thực tế thì hiện nay, Copa America và Copa Libertadores đều cho “đấu súng” ngay sau 90 phút, chỉ có chung kết mới dùng tới hiệp phụ.
Riêng ở Hè này, Copa America, Olympic, Club World Cup và World Cup U.20 nữ còn giới thiệu phương án mới: Cho phép thay cầu thủ thứ 4 khi bước vào hiệp phụ.
Ngoài ra, giới bóng đá còn đề xuất 1 ý tưởng khác học theo khúc côn cầu trên băng là mỗi đội rút ra 1 cầu thủ để có nhiều không gian cho tấn công hơn.
Tuy nhiên, đề xuất giảm cầu thủ xem ra không khả thi. Kouba kiến nghị: “Tôi là người bảo thủ, nên cho rằng hiệp phụ như hiện nay vẫn là hệ thống tốt. Dù vậy, nên chăng rút ngắn còn 20 phút thôi”.
Nhưng nếu xét kỹ, chẳng phải là không có cách giúp hiệp phụ hấp dẫn như trước: Đơn giản là lại thay loạt đá luân lưu bằng cách trở lại tung đồng xu.
Các thống kê đang ủng hộ ý tưởng này, vì thời còn trò tung đồng xu, 94% trận đấu ở các VCK EURO và World Cup kết thúc chỉ trong 120 phút. Nhưng từ lúc đá luân lưu được áp dụng tại ERO 1976 và World Cup 1978, chỉ còn có 42% số trận phải đá hiệp phụ chấm dứt trong 120 phút.
Điều này chứng tỏ khi phải chọn lựa giữa tung đồng xu với dốc sức đá thắng trong hiệp phụ, hầu như tất cả đều không muốn phải dùng tới đồng xu.