Chủ tịch UMB đề xuất các giải pháp phát triển tài năng billiards Việt Nam
Xem ngay Từ cú ăn may đến siêu phẩm 18,5 triệu
Trò chuyện với các lãnh đạo ngành thể thao và Liên đoàn Billiards & Snooker Việt Nam (VBSF) tại Hà Nội, chủ tịch Liên đoàn billiards thế giới UMB Farouk El Barki tin rằng hiện không thiếu mô hình để tham khảo nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc lâu nay. Đơn cử như hộ chiếu vốn là thủ tục thường gây khó khăn cho các cơ thủ Việt Nam, đặc biệt gần đây vừa "loại" không ít đại diện Việt Nam ở giải World Cup tại Seoul, Hàn Quốc.
Chủ tịch UMB tiết lộ ở Ai Cập, họ cấp hộ chiếu công vụ cho các vận động viên để ra nước ngoài thi đấu thoải mái: "Cái hộ chiếu đặc biệt này chỉ được dùng khi vận động viên tham dự giải đấu ở một đất nước khác, nghĩa là không thể dùng cho việc đi du lịch được. Tôi nghĩ đây là bước đầu tiên giúp các vận động viên Việt Nam không phải rời bỏ liên đoàn của chúng ta để tham dự giải đấu của liên đoàn khác. Đây cũng là cách để phát triển billiards ở Việt Nam trong tương lai".
Bên cạnh đó, chủ tịch UMB cho rằng billiards Việt Nam cầm nỗ lực tiến vào học đường: "Trung Quốc đã làm được điều tuyệt vời hơn những nước khác khi đưa snooker, pool và carom 3 băng vào trường học để những đứa trẻ học billiards từ nhỏ. Tôi nghĩ rằng Việt Nam có thể có cách để làm việc này càng dễ hơn. Khi đến một thành phố lớn với nhiều vận động viên chơi 3 băng như là TPHCM, chúng ta có thể mở trung tâm huấn luyện".
Song song đó, ông Farouk El Barki gợi ý nên thành lập nhiều trung tâm thuộc VBSF: "Những trung tâm huấn luyện đó là của Liên đoàn, có những vật đại loại như huy hiệu dùng để xác nhận, bao gồm các quy định không cá cược, không uống rượu và hút thuốc... Khi người ta biết có những trung tâm thể thao đó và được Nhà nước quản lý, phụ huynh sẽ yên tâm gửi con cái đến tập luyện.
Các trung tâm huấn luyện sẽ khác biệt hoàn toàn với cơ cấu của câu lạc bộ. Ví dụ ở Ai Cập có trung tâm huấn luyện của Liên đoàn đặt tại sân vận động Cairo, sân lớn nhất Ai Cập huấn luyện toàn diện các môn thể thao. Ở đó có trung tâm huấn luyện với cơ sở vật chất tốt với bàn thi đấu cho pool, snooker và 3 băng".
Nhân dịp này, ông Farouk El Barki than phiền về chính sách nghĩa vụ quân sự mà Hàn Quốc áp dụng cho các vận động viên: "Có một điều tôi thấy kỳ lạ ở Hàn Quốc: Ở Ai Cập, một vận động viên phải tham gia nghĩa vụ quân sự vẫn có quyền sang đất nước khác thi đấu, còn ở Hàn Quốc, vận động viên phải bỏ billiards trong vòng 1 năm rưỡi.
Quân đội của chúng tôi có đơn vị riêng có tên là đơn vị Thể thao, trong đó có những vận động viên của Ai Cập. Trong suốt thời gian làm nghĩa vụ quân sự, họ chỉ tập luyện. Và khi có sự kiện quốc tế, họ đi thi đấu rồi xong quay lại. Điều này khiến cho vận động viên đi nghĩa vụ quân sự thậm chí càng giỏi hơn. Do đó, tôi không thích luật lệ ở Hàn Quốc. Thật không công bằng khi bác sĩ đi nghĩa vụ được điều về quân y nên vẫn được làm điều họ quen làm, không sụt giảm chuyên môn".