Bob Bowman: Người thầy cả đời của Michael Phelps

thứ bảy 20-8-2016 21:10:57 +07:00 0 bình luận
Khác với hầu hết các VĐV chuyên nghiệp, trong suốt sự nghiệp, kình ngư huyền thoại Michael Phelps chỉ gắn bó với một HLV kể từ khi anh 11 tuổi.

Khác với hầu hết các VĐV chuyên nghiệp, trong suốt sự nghiệp, kình ngư huyền thoại Michael Phelps chỉ gắn bó với một HLV kể từ khi anh 11 tuổi.

Chỗ dựa tinh thần của Michael Phelps

Vào giữa tháng 5/2014, Michael Phelps quyết định trở lại sau tuyên bố giải nghệ. Cuộc thi đầu tiên sau khi trở lại của Michael Phelps ở nội dung 200m tự do tại giải đấu diễn ra ở Charlotte – NYC năm đó chỉ có thể mô tả bằng hai từ “tệ hại”.

Michael Phelps về đích thứ 9 ở vòng loại, không lọt nổi vào vòng thi chung kết. Thành tích của Michael Phelps chậm hơn gần 9 giây so với KLTG do chính anh lập tại Bắc Kinh 2008.  

Việc tái xuất bỗng nhiên trở nên kinh khủng với người đang nắm giữ những danh hiệu cao quý nhất của bơi lội thế giới. Ở một trong những lúc khốn khó nhất của cuộc đời mình, Michael Phelps chỉ nghĩ tới một cái tên: Bob Bowman.

Tại Rio 2016, Michael Phelps hồi tưởng lại suy nghĩ của mình cách đây hơn 2 năm: “Tôi chỉ có thể trông cậy vào Bob. Tôi đã tin tưởng ông ấy kể từ năm tôi mới 11 tuổi. Tôi phải tiếp tục giữ niềm tin vào ông ấy, vì tôi biết ông ấy không bao giờ làm tôi thất vọng".

Kết quả là Michael Phelps kết thúc kỳ Olympic thứ 5 của mình tại Rio de Janeiro với 6 tấm huy chương lấp lánh, trong đó gồm 5 HCV và 1 HCB.

Không hề phóng đại chút nào, nếu ai đó nói chính Bob Bowman đã đưa Michael Phelps trở lại với ánh hào quang của bơi lội đỉnh cao.

Clip: Bob Bowman và Michael Phelps nói về nhau trong chương trình "60 phút" của đài CBS

>

"Người điên" trong mắt bà Debbie

Bob Bowman - vị HLV trưởng tại CLB Bơi lội North Baltimore (NBAC) - đã bước chân vào cuộc đời của Michael Phelps từ rất sớm, cách đây ngót nghét gần 20 năm, và góp công rất lớn đưa một cậu bé mắc chứng tăng động trở thành một tượng đài vĩ đại nhất lịch sử Olympic.

Vào tháng 08/1997, sau hơn 1 năm chứng kiến sự tiến bộ vượt bậc của cậu bé Michael Phelps tại NBAC, Bob Bowman đã mời 2 vị phụ huynh Fred và Debbie Phelps đến để nói chuyện.

Thông điệp mà Bob Bowman đưa ra rất đơn giản: “Con trai của ông bà có khả năng giành được một suất trong đội hình dự Olympic 2000 của nước Mỹ, và có rất nhiều khả năng sẽ giành được huy chương vào năm 2004.”

Bà Debbie, mẹ của Michael Phelps, lúc đó chỉ biết thốt lên: “Ông điên rồi, Bowman.”

Sự thật sau này chứng minh Bob Bowman đúng là đã “điên” vì ông đã đánh giá Michael Phelps quá thấp so với những gì anh đạt được sau này.

Bob Bowman bàn với bố mẹ của cậu bé 11 tuổi Michael Phelps để tạo điều kiện tối đa cho cậu có thể theo đuổi bơi lội chuyên nghiệp. Michael Phelps cần phải dừng chơi tất cả các môn, từ bóng chày cho đến quần vợt và chuyển tới một ngôi trường mới, nơi các giáo viên sẽ tạo điều kiện cho việc học bơi của cậu. Michael phải tập bơi 2 buổi mỗi ngày và không được bỏ một bài tập nào.

Cậu bé Michael Phelps đặt niềm tin vào người thầy Bob Bowman kể từ đó.

Bob Bowman: Vừa thầy, vừa cha

Khi bố mẹ ly dị, Michael Phelps lúc đó mới 9 tuổi. Bà Debbie có lẽ đã làm được những điều tuyệt vời nhất mà một người mẹ có thể làm để nuôi dạy Michael Phelps thành một VĐV vĩ đại nhất thế giới. Michael Phelps cũng rất thân thiết với người chị gái Hilary của mình, vốn cũng là một VĐV bơi lội. 

Thế nhưng, trong hoàn cảnh thiếu vắng tình yêu thương và dạy dỗ của người cha, chính Bob Bowman chứ không phải ai khác đã giúp Michael Phelps từ một cậu bé trưởng thành nên một người đàn ông.


Những buổi tập của Michael Phelps không bao giờ vắng mặt Bob Bowman

Niềm tin của Michael Phelps vào người thầy đã được đến đáp xứng đáng ngay từ những tháng năm đầu tiên. Năm 2000, Michael Phelps hoàn thành mơ ước được dự Thế vận hội, đồng thời trở thành VĐV trẻ tuổi nhất của đoàn thể thao Mỹ tại Olympic ở Sydney khi mới bước vào tuổi 15 được vài tháng.

Mặc dù không giành được huy chương tại Sydney, nhưng cho tới trước năm 2004, Michael Phelps đã kịp giành 7 HCV tại Giải vô địch bơi lội thế giới các năm 2001 và 2003, phá 5 KLTG. Michael Phelps chính thức trở thành một trong những ngôi sao sáng nhất trên đường đua xanh.

Tại Athens 2004, Michael Phelps tự đặt cho mình mục tiêu vượt qua huyền thoại Mark Spitz, người từng giành 7 HCV bơi lội tại Olympic 1972. Michael Phelps đã gần như hoàn thành được mục tiêu của mình với thành tích 6 HCV và 2 HCĐ.


Michael Phelps và Bob Bowman tại Athens 2004

Michael Phelps cũng không cần phải đợi chờ quá lâu khi ngay tại kỳ Thế vận hội tiếp theo tại Bắc Kinh, anh hoàn tất “cú ăn 8” thần thánh với 8 chiếc HCV. Kỳ tích không chỉ giúp Michael Phelps vượt qua kỷ lục của Mark Spitz, mà còn khiến anh được ví như người “nghệ sĩ vĩ đại nhất” nếu coi bơi lội là một môn nghệ thuật.

Từng ấy thành công khi mới ở tuổi 23 của Michael Phelps về mặt nào đó lại mang đến những thử thách không hề nhỏ cho người thầy Bob Bowman. Rõ ràng Michael Phelps còn rất nhiều năm tháng phía trước, nhưng làm thế nào để giữ cho anh chàng thành công quá sớm này luôn vui vẻ và tràn đầy động lực là một bài toán quá khó cho Bob Bowman.

Khoảng thời gian sau đó mà ai cũng biết là chuỗi ngày tăm tối bắt đầu.

Tình thầy trò rạn nứt

Không biết bao nhiêu buổi sáng, Bob Bowman bồn chồn đứng bên thành bể bơi tự hỏi liệu cậu học trò cưng nhất của mình hôm nay có đến tập hay không. Đa phần là Michael Phelps không tới. Một vài buổi khác anh chỉ đến với mục đích dạo chơi.

Đối với Bob Bowman - một HLV với phong cách làm việc tỉ mỉ và luôn tin rằng chỉ có luyện tập mới mang lại thành công, sự chểnh mảng của Michael Phelps quả thực là một cơn ác mộng.

“Tôi không hiểu cậu ấy đã làm gì trong suốt cả tuần luyện tập chuẩn bị cho London 2012”. Bowman viết trong cuốn “The Golden Rules” của mình. “Cậu ta tập 2 buổi sáng thứ Bảy và cho thế là đủ.”

Sáu tuần trước kỳ thi vòng loại Olympic của đội tuyển Mỹ, Bob Bowman đã nhốt Michael Phelps vào trong trại luyện tập theo đúng nghĩa đen và không cho anh ra ngoài. Kết quả là Michael Phelps giành được 4 suất dự Olympic nội dung cá nhân và 3 suất thi đồng đội.

Tại London 2012, Michael Phelps giành được 4 HCV, 2 HCB. Thành tích không hề tệ, thậm chí không ngoa khi nói nó là mơ ước của hàng triệu VĐV Olympic. Thế nhưng, Michael Phelps thất bại ở 2 nội dung sở trường là 400m hỗn hợp và 200m bướm, nơi anh vẫn giữ KLTG và thống trị trong suốt nhiều năm.

Không hề tình cờ chút nào khi đó là 2 nội dung đòi hỏi sức bền và khối lượng tập luyện nhiều nhất. Nếu coi việc tập luyện như một “tài khoản ngân hàng” thì theo Bob Bowman, Michael Phelps đã để cho “tài khoản” của mình thâm hụt quá lớn bằng cách rút ra quá nhiều nỗ lực trong những ngày thi đấu từ những “số dư” ít ỏi mà anh tích luỹ được trong quá trình tập luyện trước Olympic.

Quá trình tập luyện cho London 2012 vì thế cũng đánh dấu nhiều rạn nứt trong mối quan hệ thầy trò giữa Bob Bowman và Michael Phelps. Thế nhưng một mối quan hệ kéo dài gần 20 năm chẳng thể lúc nào cũng êm đẹp. Điều đáng nói là Bob Bowman không chỉ góp mặt khi Michael Phelps giành những tấm huy chương danh giá, ông còn là người ở bên anh Phelps trong những giai đoạn đen tối nhất của cuộc đời.

Sau quyết định trở lại đường đua xanh, Michael Phelps vẫn chưa thôi gây rắc rối cho chính mình khi vướng vào vụ lùm xùm lái xe trong tình trạng say xỉn lần thứ 2 vào cuối năm 2014. Trong khoảng thời gian Michael Phelps bị buộc phải vào trại cai rượu, Bob Bowman đã 2 lần tới thăm và động viên anh vượt qua những khó khăn.

Thành công không phải của "tôi", mà của "chúng tôi"

Bob Bowman vốn nổi tiếng là một HLV hà khắc. Ông luôn làm việc hết mình bên bể bơi và đòi hỏi học trò của mình cũng phải như vậy. Tập luyện với Bob Bowman không bao giờ là một điều dễ dàng. Rất nhiều người đã phải rời bỏ CLB vì không chịu đựng được phong cách huấn luyện khắc nghiệt của Bob Bowman.


Người đàn ông có vẻ ngoài rất dễ mến này lại chính là một trong những HLV hà khắc nhất trong giới bơi lội đỉnh cao

Bob Bowman có một “chiêu” trị học trò rất hay mà ông học được từ một người đồng nghiệp khác. Sau một hôm tập luyện, các học trò than phiền rằng nước uống tại vòi nước ở khu luyện tập quá nóng. Ngày hôm sau, cái vòi nước biến mất. Bowman giải thích với các học trò rằng ông không muốn chúng phải uống thứ nước “tệ” như chúng nói, cho nên đã cho thợ tháo dỡ vòi nước đó đi ngay trong đêm. Từ đó, các học trò của ông phải tự mang theo bình nước và tự bảo quản chúng khi đi tập.

Đối với Michael Phelps, các bài tập của Bob Bowman dành cho anh sẽ không dừng lại, chừng nào kình ngư này chưa đạt được thông số đề ra.

Mặc dù ngay từ thuở niên thiếu, Michael Phelps đã tỏ ra mình giống như một con “thủy quái” hơn bất kỳ ai, nhưng với những bài tập của Bob Bowman thì chính anh cũng phải có lúc nói rằng “tôi mệt quá rồi!”. Kể cả những lúc như vậy, câu trả lời của Bob Bowman cũng rất đơn giản: “Chưa được con trai. Cậu làm chưa đúng, hãy tiếp tục đi.”

Khi nói về những thành công và danh hiệu mình đạt được, Michael Phelps thường không dùng từ “tôi” mà thay vào đó là “chúng tôi”, ngụ ý anh và HLV Bob Bowman. Và kể từ khi quyết định quay lại vào năm 2014, gần như trong buổi họp báo nào của Michael Phelps cũng có mặt Bob Bowman.


Bob Bowman xuất hiện bên cạnh Michael Phelps trong hầu hết các cuộc họp báo

Tuy hà khắc, nhưng Bob Bowman chẳng phải không có những lúc mềm mỏng.

Khi một trong những học trò nổi tiếng khác của Bob Bowman là nhà vô địch Olympic 2012 - nữ kình ngư Allison Schmitt bị mắc chứng trầm cảm nặng, chính ông là người đã giúp cô vượt qua căn bệnh.

Không hề là một người am hiểu về tâm lý phụ nữ, Bob Bowman vẫn kiên trì giúp đỡ học trò bằng cách liên tục tham khảo ý kiến của nữ HLV Teri McKeever của đội bơi Đại học Nam California - người đã đưa cho ông cuốn sách “Não bộ của phụ nữ”.

Bob Bowman đã nghiên cứu kỹ và áp dụng những kiến thức đó trong cách huấn luyện của mình. Những gì ông làm thực sự giúp ích rất nhiều cho học trò, chứ không chỉ dừng lại ở mức khích lệ.

Đối với Michael Phelps, ông cũng làm điều tương tự trong suốt gần 20 năm. Mối quan hệ Bob Bowman – Michael Phelps thật khó để gọi bằng một cái tên chính xác. Tình thầy trò, tình bạn, và ở một khía cạnh nào đó còn là tình cha – con. Bất kể đó là gì, mối quan hệ ấy chắc chắn sẽ dài lâu hơn cả sự nghiệp vang dội của Michael Phelps.

Và một điều ít người biết, tên đầy đủ của cậu con trai bé bỏng nhà Michael Phelps là Boomer Robert Phelps. Với tên đệm ‘Robert’ lấy từ tên thật của vị HLV đầu tiên và duy nhất của anh: Robert Bowman.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội