Olympic 2016: Giác hơi có phải doping?
Đó là câu hỏi tu từ mà kênh truyền hình Nga Россия-24 (Russia-24) đã tự trả lời khi nói về phương pháp trị liệu mà Michael Phelps đang sử dụng.
Chẳng là sau khi giành HCV Olympic thứ 19 ở nội dung 4x100m, Phelps đã thu hút sự chú ý với những vết tròn đỏ trên cơ thể. Đó là kết quả để lại sau những lần massage trị liệu bằng phương pháp giác hơi.
Ngay lập tức, trang tìm kiếm Google đã tiếp nhận vô số câu hỏi từ người dùng để tìm hiểu xem những vết thâm tím của Phelps xuất phát từ đâu. Đáng chú ý, một trong những câu hỏi được thắc mắc nhiều nhất là liệu giác hơi có vi phạm quy định của Ủy ban Olympic Quốc tế không.
Để giúp khán giả hiểu rõ, kênh truyền hình Russia-24 đã dành hẳn hơn 3 phút để giải thích: “Các VĐV áp dụng phương pháp này theo một trào lưu của Hollywood. Theo họ, massage chân không sẽ giúp lưu thông khí huyết và phục hồi cơ bắp nhanh hơn bình thường”.
“Nói cách khác, ưu điểm mà phương pháp này mang lại chẳng khác mấy so với meldonium”, Russia-24 kết luận và cũng không quên nhắc lại một số VĐV đã bị cấm thi đấu hoặc tước huy chương vì dùng loại chất này.
Điển hình nhất trong số đó là Maria Sharapova. Hồi đầu năm, ngôi sao của quần vợt Nga bị phát hiện dương tích với chất cấm meldonium và phải nhận án phạt cấm thi đấu 2 năm.
Không rõ Russia-24 ám chỉ giác hơi là doping nhằm mục đích gì, song nhiều người cho rằng đây là "lời đáp trả" của Nga sau khi kình ngư Mỹ Lilly King có những nhận xét mỉa mai về quá khứ doping của VĐV người Nga Yuliya Efimova.
Video chương trình của Russia bình luận về phương pháp giác hơi: