Bóng chuyền nữ Việt Nam và bài toán tâm lý trước người Thái tại AVC 2022
Sau thất bại trước Nhật Bản ở vòng bán kết, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam sẽ đối đầu với đại kình địch Thái Lan ở trận tranh 3-4 của AVC 2022. Nhà vô địch của SEA Games 31 đã thất bại cay đắng với tỷ số 2-3 (25-19, 20-25, 14-25, 25-23, 10-15) trước Trung Quốc dẫu cho đã có trong tay đội hình gần như mạnh nhất.
Đội hình Thái Lan tại AVC 2022 bao gồm 14 cầu thủ đã từng tham dự giải bóng chuyền VNL 2022 vừa qua, duy chỉ có hai gương mặt trong bộ 6 mới sẽ không tham dự đó là Thatdao và Ajcharaporn. Có thể nói, Thái Lan đã coi AVC Cup 2022 là một sân chơi quan trọng trước khi hướng đến giải Vô địch Thế giới.
Đối mặt với Thái Lan, bóng chuyền nữ Việt Nam cần sự chuẩn bị về tâm lý hơn là chiến thuật?
Với lực lượng hiện tại, chắc chắn Thái Lan vẫn sẽ là đội cửa trên khi đối đầu với nữ Việt Nam tại trận tranh HCĐ của AVC 2022. Sau nhiều lần chạm trán, 2 đội bóng hàng đầu Đông Nam Á đã hiểu khá rõ về lối chơi của nhau, cũng như điểm mạnh điểm yếu của đối phương.
Trong lần đụng độ gần nhất là tại trận chung kết SEA Games 31, Thái Lan đã đánh bại chủ nhà Việt Nam với tỷ số 3-0 (25-20, 25-14, 25-14) để giành tấm HCV chung cuộc. Kể từ năm 2013 đến giờ, trong những lần đối đầu ở những giải đấu chính thức, nữ Việt Nam vẫn luôn phải đón nhận thất bại trước Thái Lan (Theo thống kê của matchstat.com). Lần gần nhất Việt Nam thắng 1 set trước người Thái là trận đấu vòng bảng SEA Games 31.
Chính vì vậy, điều đầu tiên mà HLV Nguyễn Tuấn Kiệt cần quan tâm nhất có lẽ sẽ là củng cố tâm lý của các học trò, bởi Thái Lan luôn là đối thủ kỵ dơ với nữ Việt Nam. Sự e ngại trước Thái Lan không chỉ xuất hiện ở bóng chuyền mà còn hiện hữu ở nhiều bộ môn thể thao khác.
Người hâm mộ cũng hiểu rõ vị thế của bóng chuyền Thái Lan so với Việt Nam. Và điều mà cổ động viên mong chờ nhất không phải là một chiến thắng mà là tinh thần thi đấu hết mình của Thanh Thúy và các đồng đội giống như trong 2 trận đấu với Trung Quốc và Nhật Ban.
Thái Lan không thực sự mạnh mẽ như tại VNL 2022 hay SEA Games 31?
Nữ Thái Lan đã không gặp quá nhiều khó khăn ở vòng bảng AVC 2022, nhưng đến vòng tứ kết, những điểm yếu của họ đã phần nào bị lộ rõ. Đối chuyền Pimpichaya Kokram - ngôi sao sáng nhất của Thái Lan tại VNL 2022 đang không có được phong độ ổn định, cô thi đấu mờ nhạt trước dàn chắn của Trung Quốc, đồng thời thể hiện sự yếu kém trong khâu đỡ bước 1.
Không chi riêng Pimpichaya, các vị trí khác trong đội hình Thái Lan, đặc biệt là những chủ công cũng đang gặp vấn đề về việc điều chỉnh bước 1. Một trong những điểm mạnh nhất của Thái Lan tại VNL 2022 giờ đây đang khiến chính đội tuyển này phải đau đầu.
Bên cạnh đó, sự chênh lệch giữa đội hình chính và dự bị của Thái Lan là rất lớn, đặc biệt là ở vị trí chủ công, khi Sudtatta hay Sasipaporn đều đạt hiệu quả tấn công rất thấp. Thậm chí, đây có thể chính là lý do mà Thái Lan không thực sự tự tin khi sử dụng đội hình hai tại AVC 2022.
Rõ ràng, khoảng trống mà Thatdao và Ajcharaporn để lại vẫn là vô cùng to lớn. Vào thời điểm hiện tại, Thái Lan đang bị phụ thuộc rất nhiều vào khả năng ghi điểm của Chat Chu-on Moksri cùng hoạt động năng nổ của Piyanut Pannoy.
Nếu xét về tương quan lực lượng, chắc chắn Thái Lan vẫn được đánh giá cao hơn. Tuy nhiên, với một đội hình có thể xoay tua cùng nhiều nhân tố đột biến, nữ Việt Nam vẫn có hy vọng làm nên bất ngờ trước Thái Lan, nhất là khi ngôi sao sáng nhất của chúng ta là Trần Thị Thanh Thúy đang có phong độ cao hơn rất nhiều so với Pimpichaya.