Bóng chuyền nữ Việt Nam và nỗi ám ảnh mang tên "bước một"
Không thể nhớ rõ từ khi nào trong giấc mơ vươn xa của bóng chuyền nữ Việt Nam chúng ta luôn gặp cơn ác mộng mang tên bước một, hậu COVID-19 với 2 giải đấu gần nhất của đội tuyển là SEA Games 31 và AVC Cup 2022, bóng chuyền nữ Việt Nam cho thấy rất nhiều dấu hiệu tích cực nhưng cùng với đó cũng là những trăn trở khôn nguôi về bước một.
Theo dõi trực tiếp các cô gái thi đấu không khó nhận ra chúng ta mắc rất nhiều lỗi bước một ở đủ mọi thời điểm, dẫn đến việc mất điểm và nhận thất bại đáng tiếc như những trận đấu gần nhất với Nhật Bản hay Thái Lan tại AVC Cup 2022. Đó đều là những đội bóng mạnh hơn Việt Nam rất nhiều, nhưng nếu không mắc quá nhiều lỗi bước một chúng ta hoàn toàn có thể chơi sòng phẳng với đối thủ.
Rõ ràng việc giải bài toán bước một là vấn đề then chốt với tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam, những người hâm mộ đội tuyển cũng rất mong chờ điều đó, nhưng dưới mắt nhìn của người trong cuộc, cụ thể là HLV Nguyễn Tuấn Kiệt đây là câu chuyện không thể giải quyết một sớm một chiều.
"Bao nhiêu năm chúng ta gặp vấn đề về bước một. Nhưng thực tế với thời gian ngắn như vậy tại giải thì các em đã có một sự cố gắng. Bước một không đến nỗi nào, nhưng nó chỉ ở những giai đoạn, những thời điểm thì nó lại thể hiện rõ. Đó chính là ở trạng thái tâm lý thi đấu của những VĐV ít được cọ xát thi đấu quốc tế, nên ở những thời điểm quan trọng thì xuất hiện tình trạng tâm lý, dẫn đến việc đỡ bóng hỏng. Đó là những cái mà chúng tôi đã nhìn thấy được và hy vọng rằng trong thời gian tới sẽ có thể khắc phục.
Nếu thi đấu trong nước, lực phát bóng của các VĐV trong nước thì khá là yếu, thành ra các em không tiếp cận được với những lực phát bóng tốt và có mục đích, còn ở các giải quốc tế như giải châu Á thì lại khác".
Ngoài yếu tố tâm lý do thiếu cơ hội cọ sát quốc tế, một yếu tố quan trọng khác được vị thuyền trưởng của đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam nhắc đến là trang thiết bị tập luyện còn hạn chế.
"Khi tập bóng thì chúng ta không có những phương tiện để chúng ta tập đỡ phát bóng. Hiện tại chỉ duy nhất CLB BTL Thông tin có máy bắn bóng. Thế nhưng cái đó nó cũng chưa phổ thông. Các VĐV nước ngoài có rất nhiều trang thiết bị phục vụ cho việc tập luyện, từ đỡ bóng đến đập bóng, theo từng kiểu tốc độ của quả bóng. Trong thời gian ngắn như này, BHL chỉ hy vọng có thể tạo được cho các VĐV sự tự tin, hạn chế tối đa mắc những lỗi đáng tiếc", HLV Nguyễn Tuấn Kiệt chia sẻ thêm.
Rõ ràng việc giải bài toán bước một nói riêng và những hạn chế của đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam không phải là câu chuyện một sớm một chiều, không khó nhìn thấy vấn đề nhưng giải quyết nó ra sao mới là câu hỏi khiến người trong cuộc phải trăn trở.
Dù vậy việc cọ sát ở đấu trường quốc tế với những đối thủ tầm cỡ thế giới như Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản chính là cơ hội để các cô gái Việt Nam cải thiện kỹ chiến thuật cũng như sự tự tin. Điều đó sẽ được kiểm chứng ở giải đấu ASEAN Grand Prix sắp tới.