H’Mia Eban: Cánh chim lạ làng bóng chuyền tới từ mảnh đất Tây Nguyên
Được đào tạo tại một trong những cái nôi của bóng chuyền Việt Nam là VTV Bình Điền Long An, H’Mia Eban trở về với mái nhà nơi đã từng sinh ra cô và giúp đội bóng có những bước đi thần kỳ. Đăk Lăk là đội bóng chưa bao giờ được đánh giá cao, song những thành tích họ đạt được luôn khiến nhiều đội bóng phải mơ ước.
Được tập luyện chuyên môn trong môi trường chuyên nghiệp, dưới sự dẫn dắt của những người thầy có nhiều kinh nghiệm cũng như có cơ hội thi đấu, tập luyện với các đàn chị, gồm những gương mặt tuyển thủ quốc gia như: Ngọc Hoa, Thanh Thúy, hay Kim Liên đồng thời được tôi luyện qua nhiều giải đấu, H’Mia ngày càng phát triển. Cô dần hoàn thiện các kỹ, chiến thuật, tích lũy nhiều kinh nghiệm trong thi đấu để trở về phục vụ đội bóng quê nhà.
Mùa giải 2018 đội bóng đối diện với việc các cầu thủ ra đi như đối chuyền Nguyễn Thị Kiều Oanh, phụ công Như Quỳnh, libero Đặng Thị Thoan nhưng trong vai trò đội trưởng H’Mia Eban cùng các đồng đội đã vượt lên chính mình. Đăk Lăk trụ hạng thành công và tiếp tục có mặt tại giải đấu cao nhất Việt Nam trong mùa giải 2019.
Cũng trong năm này ngoài việc cùng đồng đội hoàn thành mục tiêu trụ hạng, H’Mia cũng đã giúp đội bóng giành tấm Huy chương Đồng tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII sau khi vượt qua đối thủ mạnh là Thái Bình. Mùa giải 2020 chứng kiến sự thành công của cô cùng đồng đội tại vòng 1 giải bóng chuyền VĐQG PV Gas 2020 tổ chức tại Bắc Ninh.
Việc đội bóng chuyền nữ Đăk Lăk trong một chơi khởi sắc trong mùa giải 2020 và 2021 lànhờ vào nội lực và thêm một số sự bổ sung của các cầu thủ trẻ từ những lò đào tạo hàng đầu Việt Nam như BTL Thông tin - LienVietPostBank hay một số CLB khác. Tuy nhiên cái chính vẫn dựa trên những cái tên như H’mia Eban, Nguyễn Thị Trinh hay Nguyễn Thị Phước.
Sau khi kết thúc mùa giải 2021, Đắk Lắk tiếp tục chứng kiến sự ra đi của Nguyễn Trinh. Do thiếu kinh phí nên ở giải VĐQG 2022, đội bóng Tây Nguyên không thuê ngoại binh. Áp lực tiếp tục đặt lên vai của H'mia Eban và các đồng đội ở lại. Sự cố gắng của các cô gái phố núi đã không đủ để giúp Đắk Lắk hoàn thành được mục tiêu trụ hạng của mình.
Từng là thành viên đội tuyển trẻ Việt Nam tham dự giải U19 châu Á năm 2012, H’mia ÊBan là VĐV có tố chất với hệ cơ bắp đẹp, dẻo dai sức chiến đấu và độ lì trong bản lĩnh thi đấu khiến các cầu thủ đối phương e ngại. Điểm mạnh của chủ công H’mia Eban là bật cao và có độ dừng trên không khiến các tình huống tấn công trên lưới đạt hiệu quả cực cao.
Mới đây, H'mia Eban sẽ quay trở lại mái nhà xưa VTV Bình Điền Long An để thi đấu tại giải VĐQG 2023. Sự xuất hiện của chủ công này phần nào sẽ giúp đội bóng miền Tây củng cố được vị trí của Thanh Thuý để lại.