Tân Chủ tịch Hoàng Ngọc Huấn đưa ra 4 giải pháp giúp phát triển nền bóng chuyền
thứ hai 13-12-2021 20:50:03 +07:000 bình luận
Trong phần phát biểu của mình tại Đại hội Đại biểu Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam nhiệm kỳ VII, ông Hoàng Ngọc Huấn - tân Chủ tịch Liên đoàn đã nói về 4 giải phát giúp bóng chuyền trong nước ngày một phát triển.
Sáng ngày 12/12 tại Trung tâm Hội nghị Hùng Vương đã diễn ra Đại hội Đại biểu Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam nhiệm kỳ VII (2021-2025). Đại hội đã bầu ra ông Hoàng Ngọc Huấn - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Truyền hình Cáp Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam.
Trong bài phát biểu ngắn tại Đại hội của mình, tân chủ tịch của Liên đoàn Bóng chuyền đã chia sẻ về định hướng phát triển của Bóng chuyền Việt Nam trong tương lai:"Để bóng chuyền Việt Nam ngày càng phát triển, chúng ta cần xây dựng được khung pháp lý, giúp bóng chuyền Việt Nam hội nhập sâu hơn với thế giới. Qua đó, hy vọng nâng cao thành tích của đội nam, nữ thông qua hợp tác quốc tế.".
Ông Huấn hy vọng rằng với BCH có nhiều nhân tố như vậy sẽ tiếp tục phát huy những đóng góp vào những thành công cho Bóng chuyền Việt Nam và hạn chế từng bước những khó khăn, vướng mắc mà bộ môn này chưa có cơ hội giải quyết trong thời gian vừa qua, qua đó giúp bóng chuyền Việt Nam không những được khán giả trong nước yêu thích mà còn được các nhãn hàng công nhận và luôn sẵn sàng đồng hành cùng sự phát triển của Bóng chuyền trong thời gian dài hạn.
Ngoài ra, tân Chủ tịch cũng nêu 4 giải phát giúp cho Bóng chuyền Việt Nam ngày một phát triển lên một tầm cao mới trong khu vực đồng thời với mục tiêu xây dựng bóng chuyền trở thành một bộ môn được đông đảo người dân yêu thích và tham gia. Đầu tiên là cần phải xây dựng được một hệ thống pháp lý để giúp cho bóng chuyền có thể hoạt động minh bạch, chuyên nghiệp và hướng tới hội nhập với khu vực, cùng với đó sẽ nhận được sự quan tâm tin tưởng từ người hâm mộ, các nhà tài trợ.
Hơn hết cần đặc biệt xây dựng để phát triển, nâng cao thành tích của Đội tuyển Quốc gia nam và nữ thông qua việc đào tạo và phát triển lớp trẻ, hướng tới việc mở rộng, phát triển hợp tác quốc tế, giao lưu với các nước bạn để nâng tầm của Bóng chuyền Việt Nam trong khu vực.
Thứ hai, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV) sẽ xem xét, cân nhắc, cải tiến và thay đổi thể chế các giải đấu trong nước, hướng tới các giải đấu chuyên nghiệp nhất. Điều đặc biệt nhất đó là sẽ mở rộng và phát triển bộ môn bóng chuyền bãi biển để giúp cho bộ môn này trở thành môn thể thao giải trí và giúp thúc đẩy theo hướng du lịch bãi biển.
Thứ ba, cần xây dựng thương hiệu bóng chuyền thành một thương hiệu uy tín thông qua việc phát triển truyền thông. Trong thời gian tới, Liên đoàn sẽ triển khai kế hoạch xây dựng thương hiệu với các Câu lạc bộ, các Vận động viên để các VĐV từng bước tiếp cận gần hơn tới người hâm mộ. Với lợi thế sở hữu trên 20 kênh truyền hình, chiếm 85% thị phần truyền hình thể thao Việt Nam, VTVcab và cá nhân ông hướng tới xây dựng hệ sinh thái Bóng chuyền như: tổ chức sự kiện, truyền hình trực tiếp các giải bóng chuyền để thu hút tài trợ.
Cuối cùng, trong thời gian tới VFV tiếp tục đưa phong trào chơi bóng chuyền đi sâu hơn vào đời sống của học sinh, sinh viên cũng như phối hợp với các địa phương. Chính bóng chuyền phong trào sẽ là công cụ hữu ích giúp những nhà chuyên môn tìm ra hạt nhân cho bóng chuyền quốc gia.
Theo kế hoạch tại Nhiệm kỳ VII, VFV sẽ tăng cường thi đấu cọ xát các giải đấu nước ngoài nhằm mục đích nâng cao trình độ đối với các vận động viên để nâng cao thứ hạng tại châu lục.
Liên đoàn đặt mục tiêu cụ thể tại SEA Games 31: đội tuyển nữ tiếp tục giữ huy chương Bạc, đội tuyển nam phấn đấu đạt huy chương Vàng, các đội tuyển Bóng chuyền bãi biển có huy chương. Ngoài ra, tại ASIAD 2022, đội tuyển nữ xếp hạng trong Top 5, đội tuyển nam xếp hạng trong Top 8.