Tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam và bài toán khó huấn luyện viên “thời vụ năm một”
Nếu không tính năm 2023 nhiều khác biệt và đột phá, ĐTQG bóng chuyền nữ kể từ SEA Games 2001 với tấm HCB đầu tiên, chưa bao giờ biết đến việc tập huấn dài hạn theo một chương trình thống nhất. Đội cũng không có tuyến trẻ kế cận trực tiếp, ví như U.23 hay U.19, giống như Thái Lan. Chính xác, đây là “Đội tuyển năm một”, với kế hoạch và mục tiêu đúng nghĩa năm nào biết năm đấy. Đội hình, lối chơi gắn chặt với từng giải đấu trước mắt, xoay quanh SEA Games hai năm một lần, và giải quốc tế thường niên VTV Cup.
Trong 22 năm, ĐTQG bóng chuyền nữ được dẫn dắt bởi 9 HLV trưởng (4 chuyên gia ngoại cùng 5 ông thầy nội). Dù chưa thể so được người Thái gần như chỉ dùng một ê-kíp trong sự thống nhất cao độ về mọi mặt song số lượng này có tính ổn định cao so với nhiều môn khác của thể thao Việt Nam. Chỉ có điều, việc sử dụng HLV của bóng chuyền nữ Việt Nam cũng chỉ hoàn toàn mang tính thời vụ, xuất phát từ cách tổ chức tập huấn ăn đong của ĐTQG.
Trên thực tế, bóng chuyền Việt Nam chưa từng thuê dùng được chuyên gia cho ĐTQG quá hai năm. Với các thầy nội còn khó khăn hơn nhiều, bởi thực chất họ vẫn là HLV của các CLB chỉ được triệu tập lên làm nhiệm vụ ĐTQG. Ngay cả các HLV kỳ cựu như Nguyễn Mạnh Hùng hay sau này Phạm Văn Long từng đảm trách “thuyền trưởng” liên tục trong một thời gian dài thực chất cũng chỉ năm nào biết năm ấy. Họ chỉ tập trung để làm sao hoàn thành các nhiệm vụ trong năm, qua các giải cụ thể, rồi sang năm… tính tiếp. Họ gần như không thể nghĩ đến việc xây dựng một đội hình và lối chơi lâu dài vì không ai yêu cầu và chính họ cũng không biết có gắn bó lâu dài với Đội tuyển hay không!
Chưa nói đến những vấn đề muôn thủa như chất lượng đào tạo trẻ, giải vô địch quốc gia, chính cách xây dựng ĐTQG theo kiểu “năm một” gắn với việc sử dụng HLV “thời vụ” đã khiến cho lực lượng của bóng chuyền nữ Việt Nam không phát huy được tiềm năng, lợi thế nào cơ bản, về nhiều mặt của một ĐTQG vẫn được ví von là “số 2 của thể thao Việt Nam”.
Suốt nhiều năm, cách chơi chung của ĐTVN đều nhợt nhạt và không bản sắc, chỉ được bù lại phần nào bằng tinh thần thi đấu, hay vai trò của một vài cá nhân, nổi bật như Phạm Kim Huệ, Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Trần Thị Thanh Thúy. Riêng ở phương diện này, ĐTQG có lẽ còn thua xa cả 2 CLB hàng đầu ở thời đỉnh cao là Thông tin LienVietPostBank và VTV Bình Điền Long An – hai nơi cung cấp phần lớn tuyển thủ trong nhiều năm.
Rõ ràng câu chuyện HLV “thời vụ năm một” chính là bài toán lớn và khó mà bóng chuyền Việt Nam phải giải, càng được đặt ra như một vấn đề “nóng” sau những kết quả cùng thực tế tập huấn thi đấu của ĐTQG mới đây, như thừa nhận của Tổng thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Lê Trí Trường. ĐTQG cần một “thuyền trưởng” chuyên trách, ngoài khả năng, kinh nghiệm, bàn lĩnh của bản thân, còn có đầy đủ quyền hạn và trách nhiệm, các điều kiện cùng quỹ thời gian đảm bảo. Tất nhiên để có thể có được một vị HLV trưởng ĐTQG như vậy, còn liên quan đến nhiều điều quan trọng khác, như mục tiêu và phương thức tổ chức ĐTQG, nguồn kinh phí, mối quan hệ với các CLB- địa phương…
Đơn cử, nếu thuê một chuyên gia ngoại chất lượng cao, cần có nguồn kinh phí trả lương lên tới hàng chục nghìn USD/tháng. Hay để một HLV nội rời CLB, nơi đang có công việc cùng mức thu nhập ổn định lên làm chuyên trách ĐTQG cũng đã là cả một thách thức.
Đương kim HLV trưởng ĐTQG Nguyễn Tuấn Kiệt cũng đang là “thuyền trưởng” của CLB Than Quảng Ninh. Đến giờ ông thầy sinh năm 1976 này có 12 năm gắn bó, qua 3 lần cùng ĐTVN. SEA Games 2011 là lần đầu cựu chuyền hai xuất sắc này dẫn dắt ĐTQG giành HCB. Ông có lần thứ hai đóng vai HLV trưởng ở Asian Games 2018 nơi ĐTVN đứng hạng 6 chung cuộc và SEA Games 2019 kỳ Đại hội thể thao khu vực mà Việt Nam tái chiếm tấm HCB. Sau một kỳ SEA Games 31 vắng mặt, từ tháng 7/2022, ông tiếp tục trở lại ĐTVN lần thứ 3 để cùng các học trò tạo nên những kỳ tích