Vì sao Thanh Thuý là ngoại binh có số phút thi đấu hàng đầu giải bóng chuyền Nhật Bản?
Giải bóng chuyền Vô địch quốc gia Nhật Bản đã bước qua vòng đấu thứ 6, thành tích của PFU Bluecats đội bóng sở hữu Thanh Thuý đang là 3-3 cùng vị trí thứ 6 trên Bảng xếp hạng.
Đáng chú ý là người hâm mộ bóng chuyền Việt Nam hàng tuần được theo dõi màn trình diễn của Thanh Thuý, khi mà các vận động viên ngoại binh khác không hoặc rất ít được ra sân thi đấu.
Trong số 12 đội bóng với 24 ngoại binh, Thanh Thuý cùng Kulan Jana (Toray Arrows), Prak Celeste (Victorina Himeji), Andrea Drews (JT Marvelous) và Jaja Santiago (Ageo Medics) thuộc top 5 cầu thủ ngoại được thi đấu nhiều nhất.
Vậy vì sao Thanh Thuý được ưu ái có số phút thi đấu nhiều như vậy, là do trình độ của chủ công Việt Nam hay còn lý do nào khác?
Đầu tiên bóng chuyền nữ Nhật Bản có vị trí thứ 8 trên bảng xếp hạng FIVB, vì vậy giải Vô địch quốc gia của họ là một trong những giải đấu có chất lượng chuyên môn cao với mục đích hàng đầu là phát triển các cầu thủ nội binh hướng tới thành tích cao trên đấu trường thế giới.
Vì vậy yếu tố quyết định để các ngoại binh được ra sân thi đấu một là họ không thuộc các quốc gia có khả năng cạnh tranh với Nhật Bản, hoặc phải có thế mạnh thực sự nổi trội.
Ngoài Andrea Drews là ngoại binh người Mỹ với khả năng ghi điểm hàng đầu giải đấu, những cái tên còn lại trong top 5 đều đến từ các quốc gia có bóng chuyền nữ phát triển không mạnh như Azerbaijan, Philippines và cả Việt Nam.
Đó là nguyên nhân khiến những ngôi sao hàng đầu của bóng chuyền Thái Lan như Pimpichaya Kokram và Hatthaya Bamrungsuk không có nhiều cơ hội ra sân thi đấu. Thậm chí tay đập xuất sắc nhất bóng chuyền Thái Lan Hatthaya Bamrungsuk có tới 4/6 trận không được ra sân phút nào.
Với chiều cao 1m80 và bộ kỹ năng không quá nổi trội, số 7 của đội tuyển Thái Lan buộc phải nhường chỗ cho những nội binh Nhật Bản ra sân. Điểm yếu chiều cao của Hatthaya Bamrungsuk cũng là lý giải vì sao Thanh Thuý được PFU Bluecats sử dụng thường xuyên.
Sở hữu chiều cao ấn tượng nhất đội 1m93, Thanh Thuý không chỉ mạnh trong những tình huống dứt điểm cô còn đóng vai trò rất quan trọng trong những tình huống chắn bóng.
Tất cả những yếu tố kể trên giúp người hâm mộ bóng chuyền Việt Nam có cơ hội theo dõi Thanh Thuý thi đấu vào mỗi cuối tuần. Đó không chỉ là bàn đạp giúp chủ công sinh năm 1997 tích luỹ thêm kinh nghiệm, mà bóng chuyền Việt Nam cũng được hưởng lợi từ khoảng thời gian du đấu quý báu của Thuý.