Bóng chuyền nữ Việt Nam: Tề gia chưa nổi, sao bình thiên hạ?
Thất bại của tuyển nữ bóng chuyền Việt Nam tại giải giao hữu ASEAN Grand Prix lần thứ nhất rõ ràng là nỗi thất vọng đối với người hâm mộ. Tuy nhiên, quá trình chuẩn bị đầy biến động cho giải và cả cho SEA Games chắc chắn đã tác động đến đội tuyển, cả về chuyên môn lẫn tinh thần.
Sức mạnh của ĐTQG đã chịu ảnh hưởng rõ ràng từ những trường hợp được trả về địa phương do chấn thương như Dương Thị Hên (Bình Điền Long An) và Nguyễn Thị Uyên (Thái Bình). Việc bổ sung người thay thế như Lê Thị Hồng (Kingphar Quảng Ninh) lúc còn khoảng 10 ngày trước lúc ra quân trên đất Thái cũng chỉ là giải pháp chắp vá.
Bên cạnh đó là xung đột về lợi ích dẫn đến sự thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa địa phương với Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV) xoay quanh các trường hợp của Nguyễn Thị Bích Tuyền (Truyền Hình Vĩnh Long) cùng Trần Thị Thanh Thúy (Bình Điền Long An và Denso Nhật Bản).
Bất chấp những văn bản từ địa phương đề nghị không cho vận động viên lên tuyển vì chấn thương, VFV vẫn cương quyết yêu cầu triệu tập cả Bích Tuyền lẫn Thanh Thúy để kiểm tra trực tiếp với lập luận rằng cả hai đều thi đấu tốt ở những giải gần đây. Trong khi đó, phía địa phương giải thích việc buộc phải sử dụng những vận động viên này là nhằm đáp ứng yêu cầu của nhà tài trợ.
Đương nhiên, cách giải thích của các CLB là chưa thuyết phục. Tuy nhiên, cách xử lý của VFV cũng chưa hẳn là ổn. Đơn cử như trường hợp Dương Thị Hên: Bình Điền Long An xin cho cô ở nhà, nhưng VFV vẫn đề nghị lên tuyển để kiểm tra. Và bất chấp Dương Thị Hên chưa bình phục, cô vẫn bị đưa vào sân thi đấu nên khi trở về CLB, tình trạng càng nặng hơn với 3 chấn thương ở sụn gối, dây chằng chéo và dây chằng sau.
Bài học từ Bình Điền Long An còn nóng hổi, nên Vĩnh Long không dám mạo hiểm tuân theo chỉ đạo. Thay vào đó, họ gửi hồ sơ tình hình chấn thương của Bích Tuyền ra Hà Nội chứ nhất quyết không thả người. Có lẽ tình trạng của Bích Tuyền nặng thật nên sau đó, cô không có tên trong danh sách sang Thái Lan dự ASEAN Grand Prix 2019.
Ngược lại, chủ công Thanh Thúy vẫn dự giải. Chỉ có điều là cô không thể hiện được phong độ đỉnh cao. Nguyên nhân thế nào thì xem ra chỉ có Thanh Thúy hiểu. Có thể cô đang bị đau thật. Cũng có thể do tác động từ phía CLB.
Trường hợp này là bài học mà VFV cần rút kinh nghiệm gấp, thay vì đòi kỷ luật CLB hay VĐV này nọ. Bởi muốn tất cả đều tâm phục, khẩu phục để toàn tâm, toàn ý cống hiến, VFV cần có quy chế rõ ràng về vấn đề này, chẳng hạn như mức độ chấn thương cần phải được xác định từ một đơn vị y tế do Liên đoàn chỉ định...
Song song đó là việc dời vòng 2 giải VĐQG sang sau SEA Games. Hậu quả là có thể các tuyển thủ vẫn thi đấu quyết tâm tại Đại hội, nhưng ở các giải chuẩn bị, họ sẽ giữ sức nhằm hạn chế nguy cơ chấn thương. Điều này chắc chắn ảnh hưởng tới thành tích tại các giải giao hữu. Và cũng có nguy cơ tác động tới phong độ thi đấu ở SEA Games.
Với hàng loạt bất cập đang xảy ra ở bóng chuyền nữ Việt Nam, thất bại tại ASEAN Grand Prix 2019 là điều có thể dự báo trước. Và cũng hơi lo cho SEA Games!
14 tuyển thủ VN dự giải ASEAN Grand Prix 2019
Chuyền 2 - Đoàn Thị Lâm Oanh, Nguyễn Thu Hoài.
Chủ công - Trần Thị Thanh Thúy, Trần Tú Linh, Lê Thị Hồng.
Đối chuyền - Đặng Thị Kim Thanh, Hoàng Thị Kiều Trinh.
Phụ công - Bùi Thị Ngà, Lưu Thị Huệ, Nguyễn Thị Trinh, Trần Thị Bích Thủy.
Libero - Nguyễn Thị Kim Liên, Lê Thị Yến, Nguyễn Thị Ninh Anh.