Chuyện những nhà tài trợ hoành tráng bỗng dưng biến mất của bóng chuyền VN
Cũng như các môn thể thao khác, bóng chuyền là mảnh đất màu mỡ thứ nhì chỉ sau bóng đá để giúp các ông bầu đánh bóng tên tuổi, thương hiệu bản thân. Nhìn lại quá khứ, không ít đội bóng nổi đình nổi đám một thời đã gắn với những tên tuổi của các thương hiệu lớn mà cho tới bây giờ nhắc lại, NHM vẫn cảm thấy ngậm ngùi tiếc nuối cho một khoảng thời gian dậy sóng.
Họ đến với bóng chuyền với danh nghĩa nhà tài trợ và lấy luôn cái mác gắn vào danh xưng để rồi rời bỏ nó ngay khi tên tuổi đã được “khẳng định” trong những thương vụ làm ăn mà chẳng chút liên quan tới chuyên môn...bóng chuyền.
Nuối tiếc là cảm giác chung của NHM khi nhắc tới Đức Long Gia Lai, đội bóng đã bước lên bục cao nhất của bóng chuyền nam Việt Nam. Thời ấy, những cái tên sáng giá bậc nhất của ĐNÁ đã tới với đội bóng để làm nên thương hiệu cho bầu Phát. Tập đoàn ĐLGL bắt đầu tham gia công cuộc xã hội hóa môn bóng chuyền kể từ năm 2009 bằng việc hợp tác với đội bóng chuyền Quân khu 5 để cho ra mắt với tên Đức Long- Quân khu 5.
Những Wanchai, Nguyễn Hữu Hà, Văn Hạnh, Văn Thành, Anh Văn, Văn Toại, Văn Sang, Vũ Sơn...được mang về đội. Thành tích vô địch giải bóng chuyền Vô địch Quốc Gia PV Oil năm 2013 là đỉnh cao của đội bóng để rồi người ta sẽ nhớ mãi đến cái tên ấy khi năm 2015 đội bóng chính thức giải thể.
Khác với đội bóng Tây Nguyên, trường hợp của Bảo Long Hà Tây lại là ví dụ về cách làm ăn xổi ở thì của tập đoàn Đông Nam Dược Bảo Long. Mua hẳn đội trẻ của Thái Bình về để tập trung hướng tới những mục tiêu cao. Ông chủ tập đoàn đã chơi một ván bài mà chắc chắn sẽ thắng về mặt thương hiệu. Đội bóng là tập hợp của những cầu thủ trẻ và thêm một số VĐV kỳ cựu khác đã không thể tồn tại lâu dài bởi cái túi của ông bầu là hữu hạn.
Năm 2007, Bảo Long Hà Tây chính thức giành quyền lên hạng đội mạnh toàn quốc 2008. Ngay trước giải năm ấy, Bảo Long Hà Tây tuyên bố giải tán đội và đã gửi công văn tới Liên đoàn bóng chuyền chỉ hơn một tháng trước giải khiến BTC giải bóng chuyền đội mạnh toàn quốc 2008 lâm vào thế bí.
Quay trở lại với Hòa Phát Hưng Yên, đây là thương vụ mà người ta biết trước sẽ chẳng đi đến đâu do tập đoàn Hòa Phát sau khi đã thất bại với bóng đá họ chuyển sang bóng chuyền.
Tập đoàn Hòa Phát xây dựng nhà máy trên đất Hưng Yên và chỉ cam kết tài trợ cho bóng chuyền 2 năm, 3/4 quân số trong đội hình là ký hợp đồng ngắn hạn và đã hết hiệu lực thì việc giải thể một đội bóng không có chiều sâu như vậy cũng chỉ là xu thế tất yếu của bóng chuyền ăn xổi.
Nói về độ hoành tráng thì Vietsov Petro là cái tên mà chưa đội bóng nào đạt tới nhưng với tất cả niềm hy vọng vào sự khởi sắc thì những gì CLB để lại là một nốt trầm cho làng bóng chuyền Việt Nam.
Vướng vào những trục trặc về thủ tục trong quá trình chuyển giao đội cho đội Bia Sài Gòn – Thái Bình Dương và không thể giải quyết nên việc “khai tử” đội bóng là cái kết cho những vướng mắc không lời giải đáp ấy. Sau nhiều năm nhắc lại sự biến mất của Vietsov Petro như luồng ánh sáng chiếu vội lên bầu trời rồi vụt tắt mà không để lại dấu ấn nào ngoài những lùm xùm không đáng có.