Đối thoại thầy Đỗ Kim Hải: Bóng chuyền hơi đang được cả người trẻ đón nhận
Nhắc tới trọng tài Đỗ Kim Hải là nhắc tới một trong những người đầu tiên đưa bóng chuyền hơi vào Việt Nam. Chính thầy cũng là người đi đầu mở lớp dạy bóng chuyền hơi cho những người muốn tập và phát triển môn thể thao này.
Tại giải bóng chuyền hơi trung, cao tuổi toàn quốc lần thứ VII năm 2020 - Cúp Động Lực tại Bắc Kạn, trọng tài Đỗ Kim Hải mặc dù đã ở tuổi 72 nhưng vẫn hăng say điều hành các trận đấu với niềm đam mê bất tận. Tiếp xúc với ông và nhận được khá nhiều chia sẻ về giải đấu cùng bộ môn bóng chuyền hơi kể từ khi du nhập vào Việt Nam.
Webthethao: Xin chào ông, được biết tại giải bóng chuyền hơi trung, cao tuổi toàn quốc lần thứ VII năm 2020 - Cúp Động Lực ông là trọng tài lớn tuổi nhất điều hành các trận đấu vậy ông có đánh giá thế nào về chất lượng giải đấu năm nay?
TT Đỗ Kim Hải: Giải bóng chuyền hơi trung, cao tuổi toàn quốc lần thứ VII năm 2020 - Cúp Động Lực lần thứ 7 so với các năm trước chất lượng được nâng cao đáng kể mặc dù số đội có giảm đi. Các đội bóng tham dự giải có chất lượng cầu thủ đồng đều nhau kể cả nam, nữ.
Ông là một trong những người đầu tiên du nhập môn bóng chuyền hơi vào Việt Nam vậy ông có thể chia sẻ về lịch sử của bóng chuyền hơi tại nước ta?
Tôi cũng rất tự hào được Ủy ban Thể dục Thể thao, Vụ Thể thao quần chúng và cụ thể là anh Phan Hồng Minh ban thể thao thành tích cao giao nhiệm vụ triển khai bóng chuyền hơi cho Hà Nội năm 2000, đến năm 2003 triển khai trong toàn quốc. Đến nay phong trào bóng chuyền hơi phát triển rầm rộ trong hội người cao tuổi và ngay cả giới trẻ. Đây là sự quan tâm của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam khi đưa bộ môn vào giải chính thức cấp quốc gia.
Là người đầu tiên chỉnh sửa, viết nên luật bóng chuyền hơi ông có suy nghĩ như thế nào về công việc đầy khó khăn này?
Bộ môn bóng chuyền hơi được anh Hoàng Vĩnh Giang giám đốc Sở TDTT Hà Nội du nhập vào Việt Nam năm 2000 từ Trung Quốc. Sau khi nhận được nhiệm vụ từ anh Phan Hồng Minh giao cùng với việc viết lại luật từ tiếng Trung Quốc đã được dịch, bản thân tôi cùng anh Thiệu (Vụ thể thao quần chúng) cùng nghiên cứu và viết nên luật bóng chuyền hơi được xuất bản cùng năm đó. Từ năm 2000 đến năm 2014 các giải đấu thực hiện theo bộ luật đó. Sau năm 2014 có thay đổi một số luật trong đó như lưới trước đây cao 2m (nam) 1,8m (nữ), bóng 180g. Tới nay do trình độ được nâng cao nên điều chỉnh lưới cao 2,2m, bóng nặng 250g (nam) 2m, bóng nặng 200g (nữ). Tiến tới do sự phát triển của bộ môn nên tôi nghĩ bộ luật cũng sẽ tiếp tục được thay đổi cho đồng bộ với sự phát triển.
Ông nghĩ thế nào về việc bóng chuyền hơi ngày càng phát triển sâu rộng trong cộng đồng? Đâu là yếu tố quyết định tới sự phát triển của bộ môn trong quần chúng, nhất là người cao tuổi?
Bóng chuyền hơi là môn thể thao phù hợp với điều kiện sức khỏe, kinh tế cho người cao tuổi và ngày nay là cả người trung tuổi. Khi phong trào phát triển rộng tức là sức khỏe các cụ được nâng lên, sự mệt mỏi giảm đi. Các cụ thấy yêu đời, yêu cuộc sống và làm những việc có ích cho gia đình và xã hội.
Tại giải bóng chuyền hơi trung, cao tuổi toàn quốc lần thứ VII năm 2020 - Cúp Động Lực, ông tham gia công tác trọng tài, điều hành các trận đấu, ông có thấy rằng mặc dù là các cụ cao niên nhưng tinh thần thi đấu hết sức máu lửa và không kém phần nhiệt huyết vậy ông giải quyết các tình huống đó thế nào?
Đây là nét văn hóa đẹp của thể thao Việt Nam khi các đội đều cố gắng hết sức mang về phần thắng cho đội mình nhưng nó cũng không quá mức khiến cho mất đi nét đẹp của thể thao.
Bản thân ông có mong muốn gì để phát triển hơn nữa bộ môn bóng chuyền hơi trong cộng đồng?
Đây là năm thứ 7 giải được tổ chức ở cấp quốc gia nên thông qua giải, các tỉnh thành cũng chú trọng phát triển bộ môn. Các địa phương cũng tạo điều kiện thúc đẩy bóng chuyền hơi không chỉ với người cao tuổi mà còn trong các ban ngành, đoàn thể.
Ông đánh giá thế nào về việc tiếp tục phát triển hơn nữa các giải bóng chuyền hơi của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam?
Theo tôi được biết thi tiến tới giải bóng chuyền hơi sẽ được Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam nâng cấp lên thành giải các đội mạnh vì thế nên việc các đội bóng địa phương sẽ được đầu tư hơn để nâng cao trình độ tạo nên sự cạnh tranh lớn hơn giống như giải VĐQG hiện nay. Đây là điều rất cần làm để góp phần xây dựng phong trào cho người trung và cao tuổi.
Xin cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện, chúc ông luôn giữ sức khỏe và tình yêu với bóng chuyền !