Nhìn láng giếng chuyển nhượng lại lo cho bóng chuyền Việt Nam
Tại sao khi các VĐV Thái Lan, Indonesia hay Philippines liên tục nhận được những lời mời từ các nền bóng chuyền tầm cỡ thì Việt Nam hiện tại chỉ có một mình Thanh Thúy hay năm trước là Từ Thanh Thuận? Câu hỏi đặt ra khiến nhiều người hoài nghi về trình độ, đẳng cấp của các VĐV bóng chuyền Việt Nam hay còn vấn đề nào khác?
Tính đến thời điểm hiện tại Thái Lan đã có 4 VĐV mùa giải tới sẽ thi đấu tại V-League (Giải bóng chuyền VĐQG Nhật Bản) cho các CLB hàng đầu như JT Marvelous, Denso Airy Bees hay Toyota Auto Body Queenseis và VĐV Ajcharaporn thi đấu tại giải bóng chuyền hàng đầu thế giới là Thổ Nhĩ Kỳ.
Mùa giải 2021 bóng chuyền Việt Nam mới chỉ có duy nhất chủ công Trần Thị Thanh Thúy nhận được lời mời từ CLB PFU Bluecats của Nhật Bản. Theo thông tin từ VTV Bình Điền Long An thì Thanh Thúy sẽ sang Nhật Bản trong tháng 8 vừa qua để kịp làm quen với CLB mới. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc di chuyển sang Nhật vẫn chưa thể diễn ra.
Trước đó, đầu mùa giải 2020, Từ Thanh Thuận là cái tên được làng bóng chuyền Indonesia đồn đoán sẽ sang thi đấu tại giải bóng chuyền VĐQG nước này. Trong cuộc trả lời phỏng vấn Thanh Thuận cho biết “chưa có ý định sang thi đấu tại nước ngoài và muốn tập trung hơn cho CLB Sanest Khánh Hòa trong mùa bóng mới nên đã từ chối lời mời này”. Đây cũng là nguyện vọng cá nhân và mong mỏi của chàng chủ công tài hoa bậc nhất làng bóng chuyền Việt trong suốt quá trình thi đấu.
Trong cuộc trò chuyện cùng HLV Li Huan Ning khi ông theo dõi Cúp Hùng Vương tại Việt Trì, Phú Thọ ông cho biết “riêng bóng chuyền nam Việt Nam rất nhiều tài năng có thể cạnh tranh một vị trí tại các CLB của các giải bóng chuyền hàng đầu châu Á, điển hình như Thanh Thuận, hay Quản Trọng Nghĩa…” Như vậy có thể thấy trình độ của chúng ta không hề kém cạnh so với các quốc gia khác trong khu vực và ngay cả châu Á.
Giải bóng chuyền VĐQG của Việt Nam hiện tại chưa đủ sức hấp dẫn, cạnh tranh giúp các VĐV phát triển khi nhiều năm qua vẫn đang loay hoay cải tiến thể thức thi đấu. Việc cấp phép cho VĐV ngoại thi đấu cũng đang làm đau đầu các nhà quản lý. Một giải đấu có nhiều bất cập như thời gian tổ chức, cách thức tổ chức và không nhiều tính cạnh tranh đang dần làm thui chột khả năng và mất đi sự chú ý của các cường quốc bóng chuyền trong khu vực cũng như trên thế giới.
Có một thực tế với các CLB bóng chuyền Việt Nam khi hợp đồng chuyển nhượng, cho mượn luôn cài thêm các điều khoản gọi VĐV về thi đấu trong những khoảng thời gian giải VĐQG diễn ra để duy trì vị thế. Điều này không mang tính chuyên nghiệp và nó ảnh hưởng tới phong độ của VĐV và ít nhiều gây ảnh hưởng tới các CLB muốn sở hữu các tài năng bóng chuyền Việt Nam.
Như vậy, để có được một nền bóng chuyền mạnh với nhiều tài năng thì chắc rằng chúng ta cần phải thay đổi nhiều trong tương lai để bắt kịp với những xu hướng của bóng chuyền thế giới.