Chức danh sẽ làm thay đổi cả bộ mặt chuyển nhượng Premier League
Giám đốc bóng đá hay giám đốc thể thao từng là chức danh... không tồn tại ở Premier League, nhưng giờ nó sắp mang đến những thay đổi lớn lao cho cả giải đấu.
Leicester City vừa mất một thành viên chủ chốt góp công lớn mang về danh hiệu vô địch Premier League, đó là Steve Walsh. Ông chính là “kiến trúc sư” cho thành công trên thị trường chuyển nhượng với việc đưa về Leicester những bản hợp đồng hiệu quả như Riyad Mahrez, N’Golo Kante, Jamie Vardy. Nhưng giờ Walsh đã chuyển tới Everton nhận chức giám đốc bóng đá, đó cũng là lần đầu tiên trong lịch sử CLB này ghi nhận một chức vụ như thế.
Việc Everton tìm cách đưa Walsh về là nhằm đáp ứng yêu cầu của tân HLV Ronald Koeman đối với kế hoạch chuyển nhượng của đội bóng. Nhà cầm quân người Hà Lan sẽ có khoản ngân sách đáng kể để mua sắm cầu thủ và cựu quan chức Leicester có nhiệm vụ là làm thế nào chi tiêu số tiền đó một cách hợp lý cũng như đưa về những bản hợp đồng mới như mong đợi.
Thông thường, vai trò của giám đốc bóng đá hay giám đốc thể thao ở Anh là đảm trách nhiệm vụ tiếp thị nhiều hơn so với việc kiểm soát thực tế các hoạt động bóng đá. Bobby Charlton tại Man Utd là một ví dụ như vậy.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, đã có sự thay đổi đáng kể trong quan điểm và nhận thức của các CLB.
Vào năm 2014, 2 năm sau khi bổ nhiệm Txiki Begiristain làm giám đốc bóng đá, Man City đã chứng minh rằng mô hình giám đốc bóng đá có thể đem lại hiệu quả ở Anh.
Nhìn vào Alex Ferguson khi còn ở Man United, ông không bao giờ chia sẻ quyền kiểm soát đội bóng. Điều này tạo ra ác cảm ở một số CLB Premier League trong việc miễn cưỡng bổ nhiệm một giám đốc bóng đá, nhưng Man City đang chứng tỏ rằng khi vai trò này được thực hiện đúng cách, nó sẽ hoạt động rất tốt.
Trong 4 kỳ chuyển nhượng mùa Hè trôi qua kể từ khi Begiristain đến, Man City đã trở thành đội bóng chuyên nghiệp nhất tại Premier League với việc những cuộc chuyển nhượng của họ được thực hiện một cách nhanh chóng và hiệu quả. Đó là một sự thay đổi đáng kể.
Sau một mùa chi tiêu sai lầm trong năm 2012 dẫn đến việc phải từ bỏ danh hiệu Premier League, quá trình mua sắm sau đó đã cho thấy The Citizens có phương pháp và kế hoạch tăng cường lực lượng một cách quy củ, từ đó đưa đội bóng lên một tầm cao mới.
Chelsea cũng được hưởng lợi từ một giám đốc bóng đá - Michael Emenalo, nhất là trong mùa giải vô địch Premier League mới đây nhất. Họ đã giải quyết vấn đề cấp bách nhất trong đội hình là sớm ổn định lực lượng, trong khi bán cầu thủ dư thừa đem về số tiền lớn. Kết quả là The Blues thoải mái vượt qua những quy định của luật công bằng tài chính.
Những lời chỉ trích về mô hình giám đốc bóng đá thường xuất hiện khi cơ cấu quyền lực không rõ ràng. Một chủ tịch, một giám đốc bóng đá và một nhà quản lý (manager) tất cả phải làm việc với nhau để quyết định một chiến lược chuyển nhượng: từ ngân sách có sẵn, xác định các mẫu cầu thủ đó sẽ nằm trong triết lý chơi của CLB.
Chính vì lý do của sự chồng chéo này mà Franco Baldini - một mẫu giám đốc bóng đá - đã thất bại tại Tottenham. Baldini được biết đến với rất nhiều thành công trong vai trò giám đốc thể thao tại Serie A.
Thế nhưng, khi ông cầm số tiền nhận được cho việc bán Gareth Bale để tái đầu tư, ông lại đem về những cầu thủ mà HLV Andre Villa-Boas không hề mong muốn như Nacer Chadli, Christian Eriksen, Vlad Chiriches. Điều dễ hiểu là khi Spurs thất bại trên sân cỏ, Baldini đã phải ra đi.
Trong khi giám đốc thể thao hay giám đốc bóng đá đã rất thịnh hành tại Serie A, Bundesliga hay La Liga thì việc Everton bổ nhiệm Walsh có thể thúc đẩy mạnh mẽ hơn trào lưu này ở Premier League.
Các CLB xứ sương mù không thể làm ngơ trước việc, thành công của những Sevilla (Monchi), Barcelona (Aredo Braida - cựu GĐTT Milan), Juventus (Fabio Paratici - thực chất là cánh tay phải cho Giuseppe Marotta), Bayern (Matthias Sammer) đều có dấu ấn lớn từ các quan chức đảm nhiệm vai trò này.
Họ là những bộ não trên thị trường chuyển nhượng, có thể giải quyết triệt để những vấn đề liên quan đến cả mua và bán cầu thủ với hiệu quả cao nhất.