Cầu thủ Premier League: Bỏ lương triệu phú, lĩnh lương... thường dân?
Khi các CLB từ Trung Quốc không ngừng vung tiền cám dỗ các cầu thủ, đang có đề xuất đưa ra trần mức lương cho những triệu phú đá bóng ở Premier League.
Người đã nhắc đến đề xuất này là Jeremy Corbyn - Chủ tịch đảng Lao động. Theo lời Corbyn, lương của nhiều cầu thủ "thật nực cười”.
"Tôi nghĩ mức lương của vài cầu thủ thật nực cười", Corbyn phát biểu trên Sky Sports. "Nó cũng hoàn toàn vô lý như số tiền trả cho những giám đốc điều hành cấp cao".
Tuyên bố của Chủ tịch đảng Lao động gay gắt, nhưng không hoàn toàn vô lý. Lương hiện tại của Chủ tịch Corbyn là 138 nghìn bảng/năm - rất cao so với mức thu nhập trung bình 28 nghìn bảng/năm của người dân Anh, nhưng chưa bằng... lương tuần của nhiều ngôi sao Premier League.
Theo thống kê từ Daily Mail, lương trung bình cho một cầu thủ chơi bóng ở EPL 2016/17 là 2,4 triệu bảng/năm - tức cao hơn 20 lần so với quan chức cấp cao Corbyn và gần 100 so với “dân thường”.
Mà đó mới là tính trung bình ở giải Ngoại hạng. Còn những ngôi sao đang khoác áo các đại gia như Man Utd, Man City hay Chelsea, mức lương cho họ còn cao gấp đôi, gấp 3 hoặc thậm chí gấp 4 lần mức đó, đủ khiến chính các đồng nghiệp triệu phú cũng phải ghen tị.
Hồi tháng 4 năm ngoái, Mata - người được nạp đều đặn 150 nghìn bảng/tuần vào tài khoản - còn phải thốt lên: "Khi so sánh với phần còn lại của xã hội, chúng tôi kiếm được những đồng tiền cao đến vô lý. Với thế giới bóng đá, tôi kiếm được một mức lương bình thường. Nhưng so sánh với 99,9% của Tây Ban Nha và thế giới, tôi kiếm được những số tiền cao khủng khiếp".
1. Man Utd: 5,77 triệu bảng 2. Man City: 5,42
3. Chelsea: 4,51 4. Arsenal: 3,70
5. Liverpool: 3,01 6. Tottenham: 2,68
Đó là lý do Chủ tịch đảng Lao động Corbyn kêu gọi về một mức lương trần phù hợp áp dụng trên khắp nước Anh.
"Điều này sẽ giúp ngăn chặn sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng trong xã hội Anh. Bên cạnh đó, đất nước có thêm tiền tài trợ cho dịch vụ công cộng", Cobryn phát biểu.
Được biết, Corbyn - một CĐV của Arsenal - đã chia sẻ kế hoạch cho Thủ tướng Anh Theresa May và cả HLV Arsene Wenger.
“Giáo sư” Wenger có vẻ cũng thích ý tưởng này, bởi Arsenal có lẽ là đội đau đầu nhất bởi vấn đề tiền bạc. Hai trụ cột Oezil và Sanchez đang kiên quyết đòi tăng lương lên 240 nghìn bảng/tuần - kỷ lục trong lịch sử sân Emirates - mới gia hạn hợp đồng.
Con số này nếu được áp, nỗ lực duy trì cơ cấu bảng lương của Arsenal từ trước đến nay coi như trở thành vô nghĩa. Nhưng nếu Arsenal vẫn chần chừ, họ thừa hiểu rằng việc giữ chân Oezil cùng Sanchez là không thể.
Nên nhớ, một CLB ở Trung Quốc đã chìa ra mức lương khủng 400.000 bảng/tuần đề mời gọi Sanchez. Với Arsenal, đó là con số điên rồ mà trong mơ họ cũng không nghĩ đến
Nhưng không chỉ Arsenal đang khổ sở vì tiền lương cầu thủ, đội bóng cùng thành phố Tottenham cũng không muốn phá vỡ cơ cấu lương của CLB. Bất chấp cứ khi TTCN mở cửa trở lại, Spurs đau đầu tìm mọi cách để giữ chân các hảo thủ như Alli, Kane hay Eriksen.
Kế hoạch lương trần của Corbyn chắc chắn được đại đa số CLB Anh thích thú. Nhưng nó khó có thể thông qua trong bối cảnh gần đây Trung Quốc đang dùng tiền làm mưa làm gió ở châu Âu.
Oscar – cầu thủ dự bị của Chelsea – vừa phá kỷ lục chuyển nhượng Chinese Super League với mức phí không tưởng 60 triệu bảng. Trong khi tiền đạo hết thời như Tevez nhận mức lương cao nhất thế giới, 615 nghìn bảng/tuần, ở Thượng Hải Shenhua.
Rõ ràng, khi bóng đá ngày càng bị chi phối mạnh mẽ bởi tiền bạc, thật khó để áp mức lương trần cho những triệu phú đá bóng ở Premier League.
Thực tế, BTC Premier League đã đưa ra quỹ lương trần áp cho các CLB dự giải, bắt đầu từ giai đoạn 2013-16, dựa trên nguồn thu từ việc bán bản quyền truyền hình.
Trong giai đoạn 2016-19, quỹ lương trần áp cho các CLB là 67 triệu bảng, dựa trên doanh thu kỷ lục gói BQTH Premier League đạt 8,3 tỷ bảng.
Nhưng đặt ra là một chuyện, các CLB lớn vẫn trả vống tiền lương cho những ngôi sao và việc Chelsea, Man City hay Man Utd có quỹ lương gấp 2 hay 3 lần mức trần không còn là chuyện lạ.
Vấn đề ở đây, nếu CLB chứng minh được rằng họ có các nguồn doanh thu khác, như thương mại, tài trợ quảng cáo... có thể bù vào quỹ lương thì BTC cũng chẳng thể ngăn cấm các đội trả lương khủng cho cầu thủ.
Như thế, đâu còn mức lương trần nào trói buộc nổi tình cảm của cầu thủ trong thế giới bóng đá hiện đại ngày càng bị tiền bạc chi phối!