Chelsea: Conte và chủ nghĩa thực dân kiểu… bình đẳng
Gần như chắc chắn nhà cầm quân người Ý sẽ cập bến sân Stamford Bridge vào mùa Hè năm nay, sau khi hoàn thành kỳ EURO 2016 cùng ĐTQG áo Thiên thanh. Thời điểm hiện tại, thật quá khó để có thể dự đoán trước về việc Antonio Conte liệu sẽ thành công đến mức độ nào cùng đội bóng thủ đô London. Mặc dù vậy, thông qua tính cách của cựu chiến lược gia Juventus, người ta cũng phần nào mường tượng ra những đổi thay nhiều khả năng sẽ đến với The Blues trong mùa giải sắp tới.
Cần phải khẳng định rằng Conte là một người giàu cá tính. Dưới triều đại của nhà cầm quân 46 tuổi này, mọi đội bóng từ Bari, Atalanta… cho đến Juventus hay ĐTQG Italia đều trở thành những tập thể vô cùng kỷ luật, mạnh mẽ về tinh thần chiến đấu đồng thời tràn đầy khao khát chiến thắng. Tất nhiên, Conte cũng hết sức nghiêm khắc, đối với các học trò và ngay cả bản thân. Là mẫu chiến lược gia yêu công việc, Conte không cho phép “cỗ máy” của mình được ngưng trệ hoạt động vì bất kỳ một lý do nào. Ông luôn mong muốn toàn đội phải theo đuổi một thứ bóng đá cần cù, kiên nhẫn, không hoa mỹ, thậm chí hơi khổ hạnh và… tù đày.
Dự đoán về tương lai dưới thời Conte, người hâm mộ Chelsea hoàn toàn có thể tin tưởng rằng tập thể đội bóng chủ sân Stamford Bridge sẽ trở nên ôn hòa và “khiêm tốn” hơn. Thay vì những tài năng thất thường, cựu chiến lược Juventus vẫn có thói quen trao cơ hội cho các cầu thủ trung bình khá nhưng chăm chỉ. Trên thực tế, trong suốt những năm tháng dẫn dắt Bianconeri, bản hợp đồng đắt giá nhất mà Conte mang về CLB thành Turin chỉ là cầu thủ chạy cánh Kwadwo Asamoah, với mức phí 13,5 triệu bảng.
Dễ dàng nhận thấy, Conte dùng người không phụ thuộc vào danh tiếng hay những phẩm chất tự nhiên của mỗi cầu thủ. Từng là một ngôi sao không quá nổi bật về tài năng thiêm bẩm trong quá khứ, cựu danh thủ người Italia luôn tâm niệm rằng bản thân phải cố gắng nỗ lực hết mình để vươn tới thành công. Trong mắt Conte, không hề tồn tại khái niệm “cá nhân kém cỏi”, chỉ có những kẻ chưa biết phấn đấu mà thôi. Chính bởi vậy, thái độ nghiêm khắc đến mức hơi “thực dân hóa” của vị chiến lược gia 46 tuổi này xét cho cùng cũng chỉ nhằm mục đích giúp toàn bộ tập thể tiến bộ và trưởng thành hơn.
Không sở hữu tư tưởng có phần cực đoan giống như người tiền nhiệm Mourinho, thậm chí Conte còn thường xuyên tỏ ra khá khiêm nhường và giản dị trước giới truyền thông, một yếu tố chắc chắn sẽ giúp nhà cầm quân người Ý dễ dàng tránh khỏi những “cạm bẫy” đến từ dư luận nước Anh, vốn không mấy yên ả chút nào. Đương nhiên, điều này cũng mang lại một bầu không khí tích cực hơn dành cho phòng thay đồ của Chelsea, vốn đã trở nên quá u ám sau mùa giải 2015/2016 tràn đầy những bất ổn.
Thời điểm hiện tại, giới chuyên môn vẫn chưa thể nào xác định chính xác về việc Conte sẽ áp dụng hệ thống chiến thuật nào ở sân Stamford Bridge, liệu sẽ là sơ đồ 3 hậu vệ quen thuộc hay một công thức hoàn toàn mới nhằm thích nghi trong môi trường Premier League? Dẫu sao thì mọi chuyện sẽ còn phải chờ đến kỳ chuyển nhượng mùa Hè năm nay, sau khi bộ khung lực lượng bên phía The Blues được xây dựng ổn định. Hơn hết, tất cả đều đang chờ đợi vào một cuộc cách mạng của Antonio Conte, một thứ bóng đá theo kiểu “nửa độc tài, nửa dân chủ” nhưng đồng thời vẫn mang tư duy bình đẳng…