Man City và mánh khoé trên TTCN: Kẻ “gian lận” đại tài
Có lẽ, bài học đau thương từ sự mất cân đối tài chính 2 năm trước khiến Man City phải áp dụng kế sách đối phó. Coi như, đó cũng là sự chống chọi theo bản năng tồn tại của một con thú trước một con thú dữ dằn hơn, đặc biệt với Man City thì chẳng có con đường nào khác là dùng tiền để duy trì và phát triển tầm vóc.
Do đó, Man City bỗng trở nên tinh quái, hay đúng hơn là buộc phải trở thành kẻ “gian lận” bất đắc dĩ. Họ mua Kevin De Bruyne với giá 54 triệu bảng nhưng đã thuyết phục được phía Wolfsburg cho phép thanh toán giá trị hợp đồng trong 6 năm. Nghĩa là mỗi năm Man City chỉ phải chi trả 9 triệu bảng. Đây chỉ là một ví dụ cho cả các vụ thanh toán với Raheem Sterling, Nicolas Otamendi, Fabian Delph, Patrick Roberts…
Như trang Blogger Swissramble phân tích, thực chất số tiền Man City móc trong két ra cho việc mua cầu thủ trong thời điểm hè 2015 là 36 triệu bảng thay vì phải thanh toán tổng cộng là 142 triệu bảng. Thủ thuật thanh toán này đi kèm với việc thu tiền bán Negredo, Nastasic, Sinclair, Boyata và thêm những cầu thủ cho mượn (Dzeko, Jovetic), tính ra Man City chỉ thâm hụt tổng cộng 9 triệu bảng ở kỳ chuyển nhượng hè 2015. Ngoài cách trên, Man City còn áp dụng một chiến thuật khác là cắt giảm lương và nhờ đó ít nhất họ đã tiết kiệm được 10 triệu bảng.
Những con số được “phù phép” giảm thiểu đến khó tin, tuy nhiên để làm được điều này thì Man City phải chấp nhận trả cho các khách hàng mức giá “cắt cổ” với những tân binh họ đã có được. Giờ thi ai đó đã hiểu vì sao giá những Sterling, De Bruyne… lại cao như thế. Đơn giản thôi: cả 2 cùng có lợi, Man City chịu giá cao nhưng bù lại không phải lo ngại luật Công bằng tài chính của UEFA còn các đối tác bán được giá hời nhưng họ không thu được tiền… “một cục”. Cái gì cũng có giá và sự đánh đổi của nó.
Mạnh Khánh
303 triệu bảng là số tiền Man City đã “phù phép” từ năm 2011 đến nay để tránh phạm luật Công bằng tài chính của UEFA.