Ngoại hạng Anh thiếu tiền đạo (Kỳ cuối): Vì sao các tiền đạo giỏi từ chối Premier League?
Chưa chiếm được phân khúc “siêu sao”
Không nghi ngờ gì nữa, Premier League là giải đấu giàu nhất châu Âu và sự vượt trội về nguồn lực tài chính của họ sẽ càng trở nên rõ ràng kể từ mùa giải sau, khi hợp đồng bản quyền truyền hình mới chính thức có hiệu lực. Sự mất giá của đồng euro so với đồng bảng Anh càng khiến cho sức mua của người Anh tăng lên, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là Premier League có thể sở hữu tất cả những gì mình muốn. Xét trên tổng thể quy mô của giải đấu, đúng là Premier League sở hữu nguồn lực tài chính vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh, nhưng xét riêng từng CLB thì Man City, Chelsea hay Man Utd lại không phải là quá giàu có so với Real Madrid, Barcelona, Bayern Munich hay PSG.
Căn cứ trên bảng xếp hạng của hãng kiểm toán Deloitte, chỉ có một CLB Anh duy nhất (Man Utd, 518 triệu euro quy đổi) lọt vào Top 5 đội bóng có doanh thu cao nhất thế giới trong mùa giải 2013/14, nhưng họ vẫn còn kém đội dẫn đầu là Real (549 triệu) tới hơn 30 triệu euro. Khoảng cách giữa Man City và Chelsea (doanh thu lần lượt là 414 và 387 triệu euro) so với nhóm đầu (Barca, Bayern, PSG đều có doanh thu từ 475-500 triệu euro) còn lớn hơn nữa, lên đến khoảng 100 triệu euro. Vì thế mà các CLB ở giải Ngoại hạng rất khó có thể cạnh tranh được với 4 đội bóng siêu giàu nói trên trong việc chiêu mộ những ngôi sao, còn giành giật cầu thủ từ trong tay Real, Barca, Bayern hay PSG là gần như không tưởng. Nói như Jose Mourinho, “các CLB Anh có thể mua tất cả các cầu thủ mà họ muốn từ khắp nơi trên thế giới, chỉ trừ 3 hay 4 CLB sở hữu sức mạnh tiền bạc mạnh mẽ hơn chúng tôi. Không thể buộc họ bán những cầu thủ mà họ không muốn bán”. Vài ngoại lệ như các thương vụ Di Maria (mùa trước) và Schweinsteiger (mùa này) rời Real và Bayern để chuyển sang Man Utd đều xuất phát từ mong muốn tái cơ cấu đội hình của hai gã khổng lồ TBN và Đức mà thôi.
Nói tóm lại, nếu chia thị trường chuyển nhượng cầu thủ ra thành nhiều phân khúc, Premier League có thể chiếm được ưu thế trong phân khúc “cầu thủ khá-giỏi”, những người có giá từ 20-40 triệu bảng, nhưng tại phân khúc “siêu sao”, những người trị giá từ 40-50 triệu bảng trở lên thì Real, Barca hay Bayern vẫn là điểm đến được ưa thích nhất. Ngay cả khi có được các ông chủ giàu sụ thì Chelsea và Man City cũng cần phải chi tiêu cẩn trọng nếu không muốn gặp rắc rối với Luật Công bằng Tài chính, trong khi Man Utd hay Arsenal đã đánh mất ít nhiều sức hấp dẫn sau một quãng thời gian tương đối dài thi đấu không thành công.
Tiền đạo giỏi thường có giá… tiền tấn
Đáng tiếc cho Premier League, các tiền đạo thường có giá chuyển nhượng cao hơn nhiều so với những cầu thủ thi đấu ở tuyến sau. Một tiền vệ toàn diện, đa năng, giàu kinh nghiệm, đã đạt đẳng cấp thế giới và đang ở độ tuổi chín muồi như Arturo Vidal chỉ có giá khoảng 37 triệu euro, tức còn rẻ hơn đáng kể so với một chân sút hạng khá và hầu như chưa chứng minh được gì trên đấu trường quốc tế như Christian Benteke (32,5 triệu bảng, tương đương 46 triệu euro quy đổi). Quy luật định giá này có chính xác hay không, có lẽ vẫn cần phải bàn thêm, nhưng nó khiến cho các cây làm bàn đẳng cấp luôn có giá cao ngất trời và về cơ bản luôn nằm ngoài tầm với của ngay cả các CLB giàu nhất ở giải Ngoại hạng. PSG đã phải bỏ ra tới 65 triệu euro để thuyết phục Napoli chịu nhả Edinson Cavani, trong khi những Karim Benzema hay Robert Lewandowski nếu được đem ra sàn chuyển nhượng chắc chắn cũng không có giá dưới 50 triệu, một mức giá sẽ khiến các “đại gia” Premier League cũng phải cân nhắc rất kỹ lưỡng. Còn những siêu sao thực sự như Ronaldo, Messi, Neymar hay Suarez thì đương nhiên chẳng đời nào từ bỏ Real hay Barca để đến Premier League – giải đấu đã vắng bóng ở tứ kết Champions League trong 2 trong 3 mùa bóng gần nhất – thi đấu.
Những năm gần đây, thế giới bóng đá đã sản sinh ra hàng tá tiền vệ xuất sắc, nhưng tiền đạo giỏi vô cùng khan hiếm và phần đông trong bọn họ lại đang thi đấu cho nhóm CLB siêu giàu như Real, Barca, Bayern hay PSG – những đội bóng không bao giờ bán đi các trụ cột của mình chỉ vì tiền. Hai chân sút xuất sắc hiếm hoi mà Premier League chiêu mộ được từ châu Âu lục địa trong những năm gần đây là Diego Costa và Sergio Aguero (Falcao chỉ còn là cái bóng mờ của chính anh sau khi rời Monaco) đều chưa thực sự đứng vào hàng ngũ siêu sao khi họ mới chuyển đến Anh, hơn nữa CLB chủ quản cũ của bộ đôi tiền đạo này là Atletico Madrid – một đội bóng chưa bao giờ được đánh giá cao về sức mạnh tiền bạc.
Khó thu hút tài năng Nam Mỹ
Hai lý do phụ nữa khiến cho Premier League gặp nhiều khó khăn trong việc lôi kéo các chân sút đẳng cấp cao xuất phát từ phương diện văn hoá. Bước sang thế kỷ 21, Nam Mỹ đã không còn sản sinh ra nhiều tài năng như trước, đặc biệt là nếu đặt trong tương quan so sánh với châu Âu (chúng ta đã thấy các lò đào tạo của TBN hay Đức liên tục xuất xưởng những sản phẩm chất lượng cao như thế nào), nhưng nếu có một vị trí nào mà Nam Mỹ vẫn đang áp đảo thì đó chính là tiền đạo. Sự khốc liệt của các trận đấu đường phố, lối chơi đậm chất bản năng (điều rất phù hợp với một tiền đạo cắm), áp lực phải thành công để giúp gia đình có một cuộc sống tốt hơn…. đều góp phần giải thích cho hiện tượng trên, nhưng dù là vì lý do gì thì Nam Mỹ vẫn đang đóng góp tới 80% số tiền đạo giỏi nhất (theo ước tính của Arsene Wenger) và, xuất phát từ nhân tố văn hoá và lịch sử, mọi cầu thủ Nam Mỹ nói riêng hay Latin nói chung đều mơ ước có một ngày được khoác áo Real hay Barca.
Tiếp theo, như Falcao hay Jack Wilshere khẳng định, bóng đá ở Anh là nơi đòi hỏi cường độ thể lực cao nhất châu Âu, các pha va chạm ở đây cũng thường quyết liệt hơn đáng kể so với phần còn lại của lục địa già (không phải ngẫu nhiên mà các CLB Anh, vốn đã quen với cách cầm còi có phần nương nhẹ ở giải Ngoại hạng, thường xuyên dính rất nhiều thẻ khi ra châu Âu thi đấu). Những tình huống va chạm ấy đã khiến cho Aguero chỉ có thể đá chính khoảng 60% số trận đấu của Man City trong 3 mùa gần nhất và Diego Costa phải bỏ lỡ khoảng 1/3 mùa giải 2014/15 của Chelsea. Và chắc hẳn La Liga, nơi các hậu vệ vào bóng có phần giữ chân hơn, vẫn là một điểm đến hấp dẫn hơn hẳn với những “số 9” đẳng cấp…
Quang Hải
Các đội bóng Anh đang đối phó với việc thiếu vắng tiền đạo giỏi bằng cách đa dạng hoá nguồn cung bàn thắng. Trong vòng 10 năm gần nhất, các nhà VĐ Premier League đã sở hữu trung bình 15 cầu thủ ghi bàn khác nhau trong mùa giải mà họ đăng quang, tăng đáng kể so với mức 13.1 người trong giai đoạn từ 1995-2005. Cũng trong 10 năm từ 2005 đến nay, chỉ có duy nhất một mùa giải mà nhà VĐ giải Ngoại hạng sở hữu một chân sút ghi được từ 30 bàn trở lên (Ronaldo của Man Utd năm 2008) và cái thời mà một trung phong đẳng cấp (Van Nistelrooy, Henry) đóng góp từ 35-40% số bàn thắng của cả đội đã trôi qua từ rất lâu. HLV Arsene Wenger biện minh rằng “khi phong cách chơi bóng trở nên mềm mại và giàu kỹ thuật, chúng tôi không cần một trung phong cổ điền, và các bàn thắng có thể đến từ khắp nơi”. Nhưng có một sự thực là trong những cuộc chạm trán đỉnh cao, đặc biệt là tại Champions League, vẫn cần có một cây ghi bàn đẳng cấp để giải quyết trận đấu và không phải ngẫu nhiên mà trong lần duy nhất Premier League bước lên đỉnh châu Âu kể từ sau khi Ronaldo ra đi (mùa 2011/12), Chelsea đã sử dụng một trung phong cực kỳ điển hình là Didier Drogba.