Nhiệm vụ thay thế những “nhà quản lý toàn năng”: Chuyện của M.U (Phần 2)
Dynamo thời kỳ hậu Lobanovskyi
Một trong những hình mẫu tương tự của Sir Alex Ferguson trên thế giới chính là cựu chiến lược gia huyền thoại người Liên Xô cũ, Valeriy Lobanovskyi với nhiều nhiệm kỳ dẫn dắt CLB Dynamo Kiev (1973-1982, 1984-1990, 1997-2002). Dưới triều đại của Lobanovskyi, đội bóng thủ đô Ukraine đã đoạt được 12 chức vô địch quốc gia, giành 9 cúp quốc gia cùng 2 lần đăng quang ở đấu trường Cup Winners Cups (UEFA Cup). Bên cạnh đó, Lobanovskyi cũng chính là người đặt nền móng cho phong cách chiến thuật của bóng đá Liên Xô trong thời kỳ thống nhất bằng lối chơi pressing cường độ cao (hard-pressing), được vận hành dựa trên khả năng chuyển đổi linh hoạt giữa hai khâu tấn công và phòng ngự.
Ngay sau thời điểm nhà cầm quân huyền thoại người Xô Viết từ giã sự nghiệp huấn luyện trước khi qua đời vào tháng Năm năm 2002, một cựu học trò và sau đó cũng đồng thời trở thành trợ lý của ông, Oleksiy Oleksandrovich Mykhailychenko đã chính thức lên tiếp quản “di sản” mà Lobanovskyi để lại. Trong vòng hai mùa giải liên tiếp, Dynamo Kiev cũng giành được hai chức VĐQG. Mặc dù vậy, sau trận thua với tỷ số 1-2 ngay trên sân nhà trước Trabzonspor tại vòng sơ loại thứ ba Champions League, Oleksiy đã bị ban lãnh đạo CLB sa thải.
Liên tiếp trong những năm tiếp theo, Dynamo Kiev vẫn tiếp tục phải “vật lộn” dưới sự chỉ đạo của các học trò cũ từng thi đấu dưới thời HLV Lobanovskyi. Thực tế cũng cho thấy, đội bóng thủ đô Ukraine dường như đã đánh mất đi nguồn động lực cần thiết bởi khoảng trống quá lớn mà vị chiến lược gia gốc Xô Viết để lại. Phải tới năm 2007, sau khi Yuri Semin, một vị chiến lược gia người Nga lên nắm quyền, một người chẳng hề liên quan chút nào đến Lobanovskyi, ban lãnh đạo Dynamo lúc này mới phần nào chấp nhận sự thật rằng, họ cần phải sớm thoát khỏi “cái bóng khổng lồ” của nhà cầm quân huyền thoại trong quá khứ.
Thế nhưng, lần lượt Semin, rồi đến một người Nga khác, HLV Valery Gazzaev cũng chẳng thể giải quyết nổi những vấn đề “vô hình” của đội bóng. Đến tháng Mười năm 2012, một cựu tiền đạo của Dynamo Kiev, Oleh Blokhin, một người từng chinh chiến dưới thời Lobanovskyi đồng thời phục vụ cho CLB thủ đô Ukraine trong suốt 19 năm, đã chính thức lên nắm quyền chỉ đạo tại sân NSC Olympiyskyi. Trải qua 18 tháng, triều đại của Blokhin nhanh chóng bị lật đổ trong sự vô vọng của những người hâm mộ vẫn còn đang hoài niệm về thời kỳ hoàng kim từ cách đây gần ba thập kỷ.
Thời điểm hiện tại, Serhiy Rebrov, một học trò cũ của Lobanovskyi từng thi đấu ở vòng bán kết Champions League năm 1999 đang là người dẫn dắt Dynamo. Mặc dù vậy, khi mà những yếu tố bất ổn đến từ cuộc nội chiến giữa hai miền Đông-Tây Ukraine ngày càng trở nên phức tạp và khó giải quyết hơn bao giờ hết, cũng thật khó có thể hy vọng CLB này sẽ sớm trở lại giai đoạn đỉnh cao giống như trong quá khứ.
Sức ép vô hình
Có một thứ áp lực vô hình mà cả Busby lẫn Lobanovskyi đều để lại sau khi quyết định chia tay M.U và Dynamo. Chính sự ảnh hưởng liên tục trong suốt một thời kỳ dài đã khiến cho các đội bóng này dần trở nên thụ động và dần đánh mất đi khả năng thích ứng cần thiết. Khi mà sự phán xét dành cho những tầng lớp kế cận luôn bị chi phối hết sức nặng nề bởi một lăng kính “truyền thống” và có chút gì đó hơi bảo thủ, đồng thời xuất phát từ chính “cái bóng” của những người tiền nhiệm, đương nhiên cả M.U lẫn Dynamo Kiev đều nhanh chóng trở thành nạn nhân tất yếu của các cuộc khủng hoảng bản sắc.
Không ai phủ nhận rằng Louis van Gaal đã cố gắng “tự cứu mình” thoát khỏi những ảnh hưởng dưới triều đại Ferguson, thế nhưng David Moyes thì lại không làm được như vậy, đơn giản bởi nhà cầm quân người Scotland vốn dĩ quá đơn điệu. Đặt trong hoàn cảnh hiện tại, khi mà cái tên Jose Mourinho, một người hoàn toàn “anti” phong cách của Sir Alex nhiều khả năng sẽ cập bên sân Old Trafford vào tháng Sáu tới đây, các CĐV Quỷ đỏ cũng không thể không đặt ra những nghi ngờ dành cho nhà cầm quân người Bồ.
Về mặt lý thuyết, thứ cá tính “dị biệt” của Mourinho có thể sẽ giúp M.U phần nào giải quyết được bài toán chuyên môn, hoặc ít nhất là trên phương diện thành tích trong tương lai gần. Tuy nhiên, sự xuất hiện của “Người đặc biệt” cũng hứa hẹn sẽ không thể mang đến cho đội bóng thành Manchester một diện mạo tích cực hơn trước công chúng. Mặt khác, Quỷ đỏ cũng khó lòng trở thành một tập thể gắn kết dưới triều đại cựu chiến lược gia Inter Milan, thậm chí còn dễ rơi vào trạng thái khủng hoảng tâm lý.
Mặc dù vậy, đánh giá trong thời điểm hiện tại, CLB chủ sân Old Trafford có lẽ cũng chẳng thể nào chấp nhận “đốt cháy giai đoạn” được. Dẫu sao thì Man United cũng vẫn sẽ cần một Jose Mourinho khác biệt để mang đến những trải nghiệm cần thiết cho chặng đường phục hưng đầy gian nan của mình.